Về quy chế quản nhà chung cư, dự thảo không chỉ quy định ghi rõ phần chung, phần riêng trong hợp đồng mua bán nhà mà phải quy định cụ thể hơn nữa. Nếu trong hợp đồng không ghi hết...
Sau khi Báo SGGP đăng nội dung dự thảo mới nhất của Sở Xây dựng về phí quản lý chung cư (CC) và quy chế quản lý, sử dụng nhà CC, đã nhận được nhiều ý kiến của chủ đầu tư, chuyên gia xây dựng và người dân về vấn đề trên. Dưới đây là một số ý kiến trong số đó.
Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TPHCM: Nên “trưng cầu dân ý”
Theo tôi, phí CC quy định trong dự thảo là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, mức phí trên có hợp lý hay không tùy vào chủ quan của mỗi người vì nó có thể hợp lý với người có mức sống khá, nhưng có khi lại cao với người nghèo. Chính vì thế, để có được một mức phí hợp lý thì cần phải “trưng cầu dân ý”. Nên phát phiếu thăm dò ý kiến người dân đang sống tại các CC từ bình dân đến cao cấp để có được mức giá hợp lý nhất trước khi ban hành.
Theo tôi, mức phí này cần đưa ra ở mức phù hợp: đủ chi phí để vận hành các trang thiết bị của CC, các chi phí sử dụng chung, phí phụ cấp trách nhiệm cho ban quản lý CC… Nên coi việc thu phí CC để phục vụ cho tòa nhà chứ không thể coi việc thu phí CC là kinh doanh, do đó phải có cơ chế kiểm toán thu chi rõ ràng.
Về quy chế quản nhà CC, dự thảo không chỉ quy định ghi rõ phần chung, phần riêng trong hợp đồng mua bán nhà mà phải quy định cụ thể hơn nữa. Nếu trong hợp đồng không ghi hết thì kèm theo một phụ lục, vì càng chi tiết, càng dễ xử lý nếu sau này xảy ra tranh chấp.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Đất Phương Nam: Huy động người dân đóng thêm rất khó
Có giá trần phí CC là cần thiết nhưng đôi khi cũng phải nên quy định BQL CC hoặc CĐT được linh động điều chỉnh. Đa số người dân cũng đồng ý tăng mức phí CC để đảm bảo được sử dụng những dịch vụ tốt nhất và được bảo trì, bảo hành những thiết bị chung của CC chu đáo nhằm tránh xuống cấp nhanh.
Việc tách phí gửi xe ra khỏi phí dịch vụ CC cũng phù hợp vì thực tế, các đơn vị phụ trách phần giữ xe phải mua các loại bảo hiểm xe (cháy nổ, mất mát) để khi sự cố xảy ra, DN và người dân đều không phải thiệt thòi. Tuy nhiên, mức giá giữ xe cũng cần được thu với mức hợp lý.
Riêng quy chế quản lý về CC, theo dự thảo, hợp đồng mua bán CC phải nêu rõ giá bán căn hộ CC đã bao gồm cả phí bảo trì phần sở hữu chung của CC (2% tiền bán căn hộ). Việc này nên quy định cụ thể hơn vì đối với những căn hộ bán sau ngày 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành) thì không sao, nhưng với những căn hộ CĐT bán trước thời gian đó, CĐT chưa đưa 2% phí bảo trì phần sở hữu chung vào nên trên nguyên tắc là chủ căn hộ phải đóng thêm chi phí trên.
Tuy nhiên, để giải quyết hợp tình hợp lý thì chi phí bảo trì phần sở hữu chung đối với những căn hộ này thì tôi nghĩ Nhà nước, CĐT và cả chủ sở hữu căn hộ nên cùng “góp tay” vào chứ không nên bắt CĐT chịu chi phí này vì 2% tiền bán căn hộ là rất lớn. Mặc dù dự thảo có quy định trường hợp kinh phí thu được để bảo trì không đủ thì huy động đóng góp các hộ tương ứng với phần diện tích sở hữu riêng của từng hộ nhưng theo tôi, nên tính đúng, tính đủ chi phí ngay từ đầu chứ huy động người dân đóng thêm sẽ rất khó.
Quy định trường hợp CC có phần diện tích sử dụng chung để kinh doanh thì tại khu vực này mức thu là mức theo quy định chung nhân với hệ số 1,5 theo tôi là chưa hợp lý. Chẳng hạn khi một ngân hàng đặt một máy ATM trong phần diện tích chung của CC thì ngân hàng đã có hợp đồng và trả phí cho Ban Quản lý CC hoặc CĐT. Chi phí này cũng được đưa vào quỹ để bảo trì chung cho tòa nhà, không có lý do gì bắt DN đó phải đóng phí theo quy định nhân với hệ số 1,5 cả.
Nguyễn Phương Thu Trang, ngụ tại đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 TPHCM: Cần ban hành sớm giá trần phí CC
Tháng 6-2009 tôi sẽ lấy nhà CC bên quận 7. Sau khi báo chí đăng tải vụ lùm xùm phí CC, tôi cũng hơi ngán ngại. Theo tôi, việc cơ quan chức năng chậm ban hành quy định giá trần phí CC đã khiến người dân sống tại CC chịu thiệt thòi.
Hiện nay, mức thu phí của CC do Ban Quản lý CC đưa ra mỗi nơi một khác, thậm chí rất vô tội vạ. Người dân sống tại CC đôi khi cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì khó mà “thỏa thuận” được với Ban quản lý CC để có được giá hợp lý và nếu không đồng ý mức giá đưa ra sẽ không được sử dụng các dịch vụ như đi thang máy, không được vận hành máy bơm nước, không có chỗ giữ xe, không có bảo vệ…
Do vậy, tôi hay theo dõi các mức phí dự thảo đưa ra và thấy rằng mức phí do Sở Xây dựng đưa ra trong dự thảo mới nhất (tối đa không quá 6.000 đồng/m2/tháng) là mức thu hợp lý. Tuy nhiên, tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên nhanh chóng lấy ý kiến người dân để có được mức thu phí CC hợp lý nhất để ban hành giá trần phí CC. Theo tôi, giá càng sát với ý kiến của số đông người dân thì càng khả thi và ít xảy ra tranh chấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng