Bắt đầu khởi sắc tại Việt Nam từ năm 1995, golf là môn thể thao từ chỗ chủ yếu dành cho các chính khách hay thương nhân nước ngoài công tác tại Việt Nam đã dần thu hút được sự quan tâm...
Bắt đầu khởi sắc tại Việt Nam từ năm 1995, golf là môn thể thao từ chỗ chủ yếu dành cho các chính khách hay thương nhân nước ngoài công tác tại Việt Nam đã dần thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới doanh nhân trong nước.
Và khi có cầu ắt phải có cung. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như lượng khách du lịch tới Việt Nam trong những năm gần đây là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư thực hiện các dự án sân golf.
Cho đến nay, số lượng sân golf đã đi vào hoạt động chưa nhiều (cả nước có 18 sân golf) nhưng đã có rất nhiều phản ứng xung quanh đề tài sân golf như: phát triển sân golf tràn lan, không quy hoạch, gây nguy cơ chiếm dụng đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng an ninh lương thực; việc sử dụng số lượng lớn các loại hóa chất để nuôi cỏ và diệt trừ nấm, sâu bệnh tại các sân golf, nếu không được xử lý có khả năng gây ô nhiễm ảnh hưởng lớn nguồn nước sinh hoạt chung của dân cư và môi trường sống tự nhiên; hay thậm chí là việc phát triển sân golf tạo sự bất bình đẳng xã hội...
Đây cũng là vấn đề nóng được đề cập trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hiện nay. Với thực tế về xây sân golf trên đất lúa và kinh doanh sân golf trá hình, 50 trên số 145 dự án sân golf đã cấp đất bị kiến nghị thu hồi. Vấn đề là ở chỗ cho dù các dự án cấp phép đều quy định phải được thẩm định chặt chẽ từ khâu quy hoạch đến xử lý khoáng sản, nguồn nước, tác động đến môi trường nhưng bất cập vẫn phát sinh do chưa có quy hoạch rõ ràng. Hiện nay chưa có quy hoạch tổng thể về quỹ đất dành cho sân golf cũng như quy hoạch cụ thể cho việc phát triển loại hình du lịch - thể thao - kinh tế này trên cả nước.
Bài toán quy hoạch cho dù không hề mới nhưng lại dường như khó có thể giải quyết triệt để. Nhìn nhận những điểm tích cực, có thể thấy
golf sẽ rất có giá trị khi có chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn của du khách. Golf cũng đóng vai trò nhất định trong việc phát triển quan hệ của các hoạt động ngoại giao, kinh doanh, hay thậm chí là các hoạt động cộng đồng như gây quỹ từ thiện. Một số sân golf Việt Nam được hình thành từ những vùng cát trắng hay vùng ao đầm bỏ hoang. Và nếu phát triển sân golf theo hướng quy hoạch xanh sẽ tạo cảnh quan môi trường xanh cho các đô thị...
Điều quan trọng là cần có quy hoạch, có các tiêu chuẩn xây dựng sân golf rõ ràng, cũng như các chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Trong đó, công tác quy hoạch cần chú ý đến yếu tố phát triển theo vùng, khu vực. Phân tích những yếu tố như mật độ dân số, GDP bình quân, đặc điểm kinh tế - xã hội từng khu vực để quyết định số lượng sân golf cho phù hợp.
Phải gắn quyền lợi của dân với đất
Ruộng đất và đất đai nói chung là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm.
Theo tổng kết của Thanh tra Nhà nước, có đến trên 80% vụ kiện tụng đông người, gay gắt, phức tạp, kéo dài, vượt cấp... là liên quan đến đất đai. Chạy theo giải quyết các khiếu kiện này đã chiếm khá nhiều thời gian vật chất của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Có ý kiến cho rằng đó là hệ quả của việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tấc đất tấc vàng!
Kinh tế thị trường bản thân nó không có lỗi. Có lỗi chăng là ở chính sách, thể chế chưa đủ, còn kẽ hở, bất cập, không đủ sức điều hành thị trường bất động sản nói chung, trong đó có đất đai. Có lỗi chăng là trong việc điều hành xử lý cụ thể của các cấp chính quyền, của từng công chức thi hành công vụ...
Để sang một bên những nguyên nhân do đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Hãy để tâm nhiều đến các nguyên nhân trong một bộ phận nhà chức trách đâu đó, nơi này nơi kia đã có những quyết định gạt một bộ phận dân cư ra khỏi đất đai mà ngoài đền bù không kèm theo giải pháp giúp những người dân này tổ chức lại đời sống. Rất cần sửa đổi Luật đất đai theo hướng thắt chặt điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, giải quyết thỏa đáng hơn mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích hưởng lợi từ đất, quan tâm hơn nữa đến lợi ích chính đáng của người mất đất.
Thật ra dân ta rất sòng phẳng và có truyền thống xử lý các mối quan hệ về lợi ích giữa cá nhân, cộng đồng rất hài hòa, hợp lý. Vẫn còn đấy nhiều tấm gương ở nhiều địa phương, như chuyện các bà mẹ tuy nghèo vẫn tự nguyện hiến đất xây trường, nhiều hộ có đất cho các hộ nghèo không đất mượn đất sản xuất vài ba vụ để thoát nghèo...
Vấn đề là cán bộ, công chức chính quyền phải gần dân, lắng nghe nguyện vọng của bà con, kiên trì và biết cách giải thích, hạn chế tối đa việc sử dụng biện pháp hành chính tùy tiện, đặc biệt là chính sách vi mô phải gắn được quyền lợi trực tiếp của dân với đất, dù đất đã chuyển mục đích sử dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO