Phát triển nhà ở xã hội: Chậm trễ trong thủ tục xét duyệt

Cập nhật 07/11/2013 09:04

Phát triển nhà ở xã hội, một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời tạo lập chỗ ở cho người lao động, người thu nhập thấp, đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Bằng chứng là hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được triển khai chỉ trong thời gian ngắn.

Phát triển nhà ở xã hội, một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời tạo lập chỗ ở cho người lao động, người thu nhập thấp, đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các địa phương, doanh nghiệp và xã hội. Bằng chứng là hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được triển khai chỉ trong thời gian ngắn.

Mới đây, Tổng Công ty Viglacera - chủ đầu tư dự án 1.000 căn hộ nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm) đã khai trương nhà mẫu tại dự án, với các loại căn hộ có diện tích 35,8-57,6m2. Đặc biệt, loại căn hộ diện tích nhỏ 35,8m2 được thiết kế theo 3 phương án khác nhau là 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, hoặc tổ chức không gian sinh hoạt chung tùy nhu cầu của người sử dụng. Với giá bán được coi là thấp nhất cùng phân khúc hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn, Viglacera đã tiếp nhận hơn 400 hồ sơ đăng ký mua nhà và ngày 31-10 đã có hơn 200 khách hàng tham gia trong đợt 1 bốc thăm vị trí, ký hợp đồng mua bán căn hộ. Cùng với các dự án cùng loại khác trên địa bàn Hà Nội, nhà ở xã hội đã tạo ra một sự cạnh tranh đối với nhà ở thương mại, buộc chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở thương mại phải tính toán hạ giá bán, chia nhỏ diện tích để có giá thành phù hợp hoặc tung ra các phương thức khuyến mại mà thực chất cũng là một cách hỗ trợ người mua nhà để bán sản phẩm. Thực tế, thị trường BĐS đang hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Duy Anh

Theo Bộ Xây dựng, đến nay toàn quốc đã có 84 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 51.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 23.800 tỷ đồng. Cùng với đó là 39 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang được thực hiện, với quy mô xây dựng hơn 26.800 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn như đề án nhà ở xã hội tại Bình Dương giai đoạn 2011-2015 do Tổng Công ty Becamex IDC thực hiện, gồm 37 dự án, tổng mức đầu tư 10.800 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ hiện đã hoàn thành 4.700 căn hộ; dự án 3.500 căn hộ nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), có tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng do Tổng Công ty IDICO thực hiện; dự án 1.000 căn hộ nhà ở xã hội của Viglacera tại Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) hay 1.000 căn hộ nhà ở xã hội của Liên danh Tổng Công ty HUD - BIC tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội). Tính riêng trong năm 2013, đã có 15 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó Hà Nội khởi công, động thổ 6 dự án.

Ngoài ra, cũng đến thời điểm này, đã có 56 dự án, quy mô hơn 34.500 căn hộ, chủ đầu tư đăng ký xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (trong đó Hà Nội có 21 dự án, TP Hồ Chí Minh 24 dự án); 22 dự án, quy mô 5.900 căn hộ, được đăng ký điều chỉnh cơ cấu diện tích cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và hạ giá thành. Tuy nhiên, đánh giá về nhóm dự án này, Bộ Xây dựng cho rằng tiến độ chuyển đổi, điều chỉnh còn chậm do khâu thủ tục xét duyệt, ra quyết định cho phép. Hà Nội mới có 15 dự án được chấp thuận chủ trương, 3 dự án có quyết định chính thức, TP Hồ Chí Minh mới có 1 dự án được chính thức chuyển đổi. Việc chậm trễ trong khâu thủ tục cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, số vốn được chấp thuận cho doanh nghiệp vay là 860 tỷ đồng nhưng mới giải ngân cho 2 doanh nghiệp số tiền 54 tỷ đồng. Trong khi, với hộ gia đình, cá nhân, số vốn cam kết cho 619 khách hàng vay là 203 tỷ đồng, nhưng mới có 590 khách hàng được giải ngân với dư nợ 142 tỷ đồng.

Trước đó, Chính phủ đã triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS bằng cách gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ nhằm vào đối tượng người nghèo, tạo điều kiện người nghèo có nhà ở. Đến nay, cơ bản các địa phương đã xác định nhu cầu về nhà ở xã hội. Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội được địa phương, doanh nghiệp, xã hội quan tâm, ủng hộ. Hàng loạt dự án phát triển nhà ở xã hội triển khai thời gian qua không chỉ có ý nghĩa kinh tế, chính trị, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời cũng là giải pháp "hâm nóng" thị trường BĐS, tiêu thụ sản phẩm tồn kho. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường BĐS đã hướng tới bộ phận đa số người mua.

Theo kết quả rà soát, khu vực đô thị có khoảng 1.740.000 người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Tương tự, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015). Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn là Hà Nội 111.200 căn; TP Hồ Chí Minh 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn… Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ, công chức 25 bộ, ngành tại khu vực Hà Nội là khoảng 30.000 căn.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới