Chiến lược phát triển nhà ở trong tương lai và về dài hạn là mối quan tâm chung của người dân trong giai đoạn đất nước phát triển và đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Trong tuần qua vấn đề bổ sung chi phí nhà ở vào lương công chức, cũng như đề xuất hình thành quỹ tín thác bất động sản được đề cập đến và nhận được nhiều sự quan tâm nhất, dự báo sự phát triển mới của lĩnh vực nhà ở thời gian sắp tới.
Nhà ở sẽ phát triển hơn khi quỹ tín thác bất động sản hình thành. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Chi phí về nhà ở: Rất cần cho người thu nhập thấp
Trên thực tế, nhiều công chức sống và làm việc tại các đô thị lớn không đủ khả năng mua hoặc thuê nhà. Việc thuê nhà ở khu trung tâm, gần nơi làm việc đã trở thành gánh nặng của nhiều người, việc mua và sở hữu nhà xem ra xa vời đối với họ. Thuê nhà ở vùng ven, ngoại thành trở thành giải pháp tối ưu cho nhiều người, có như vậy họ mới đủ kinh phí để trang trải.
Chính vì vậy vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà để người dân có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình. Bởi tính theo mức lương tối thiểu hiện nay, số tiền dành cho nhà ở chỉ là rất hạn chế so với kinh phí thực họ bỏ ra thuê nhà.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, trong tương lai nhiều người, đặc biệt là người nghèo, hạn hẹp về tài chính sẽ có nhiều cơ hội sở hữu và thuê nhà, tự giải quyết được nhu cầu về nhà ở cho mình.
Trong thời gian vừa qua, nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ cho những đối tượng có thu nhập thấp, như việc xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình nhà ở, giảm giá mua, thuê nhà. Tuy nhiên không phải người dân nào cũng được tiếp cận với chính sách này. Số lượng người được sở hữu và thuê nhà còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.
Mục tiêu của nước ta, đến năm 2015, cả nước sẽ tiến tới mục tiêu, bình quân diện tích nhà ở sẽ đạt 21,5m2 sàn/người. Nhưng để đạt được mục tiêu ấy, trước hết người dân cần phải được giải quyết đầy đủ về chỗ ở.
Chi phí nhà ở được bổ sung vào lương sẽ giúp người dân giảm tải gánh nặng về tài chính trong việc tạo dựng chỗ ở cho mình, yên tâm làm việc. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở, cần phải có thêm nhiều dự án dành cho người thu nhập thấp, những chính sách ưu đãi họ, đặc biệt là đối tượng công chức hạn hẹp về tài chính.
Hình thành quỹ tín thác: Thêm vốn để phát triển nhà ở
Cũng trong trong dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vừa được công bố, Bộ Xây dựng cũng đưa ra đề xuất nên thành lập quỹ tín thác, huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân để đầu tư vào những dự án về nhà ở. Ý kiến này sẽ trình và chờ sự phê duyệt của chính phủ.
Với quỹ tín thác bất động sản, tất cả mọi người dân đều có thể đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nhà ở dù vốn nhiều hay ít. Đây cũng là một đề xuất góp phần giải quyết thực trạng thiếu hụt vốn trong lĩnh vực bất động sản giai đoạn hiện nay.
Quỹ này nếu ra đời sẽ được ưu đãi về thuế, là kênh huy động vốn cho tất cả mọi người, những ai có ý định đầu tư vào bất động sản, kể cả những người có số vốn hạn hẹp. Thêm 1 lợi thế nữa là trong khi các quỹ khác lập ra chỉ được đầu tư tối đa chỉ chiếm 40% thì quỹ này sẽ được dùng hoàn toàn để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng mô hình quỹ tín thác thông qua chứng chỉ quỹ sẽ là một trong những cách chứng khoán hoá bất động sản. Theo đó bộ cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế những nguy cơ do chứng khoán bất động sản gây ra để quỹ có thể phát triển ổn định và hoạt động hiệu quả sau khi quỹ được phê duyệt.
Quỹ tín thác được cho rằng sẽ là động lực để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản nhằm đối phó với tình trạng nhà ở đang thiếu hiện nay.
Bên cạnh đó, quỹ còn thu hút một nguồn vốn lớn từ các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tạo điều kiện về nhà ở cho nhiều người trong tương lai. Đây cũng là cơ hội cho tất cả những ai muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, một lĩnh vực hấp dẫn mà trước đây chỉ những người có tiềm năng về tài chính mới có thể tham gia.
Thúy Trần - DiaOconline.vn