Phát triển đô thị, đặc biệt các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém, sai sót mà theo các chuyên gia, không còn dễ để khắc phục.
Phát triển đô thị, đặc biệt các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém, sai sót mà theo các chuyên gia, không còn dễ để khắc phục.
Loạn quy hoạch
Quy hoạch chồng chéo, không có đầu mối, mạnh ai nấy làm là thực trạng chung nhiều năm qua được đề cập. Thậm chí khi bàn về dự thảo Luật Quy hoạch, nhiều người đã tá hỏa với những con số được thống kê: Chỉ riêng giai đoạn 2011-2020, theo kế hoạch được duyệt, cả nước sẽ có 19.285 bản quy hoạch với kinh phí lập lên đến 7.947 tỷ đồng, trong đó cá biệt có địa phương lập đến 200 bản quy hoạch. Trong những con số khủng này, quy hoạch liên quan đến xây dựng, đô thị chiếm áp đảo với 63%.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, mặc dù đã có khá đầy đủ các văn bản pháp luật điều chỉnh cũng như các quy hoạch, tuy nhiên hiện nay công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị đang rất rối loạn. Thí dụ, quy hoạch đô thị có Luật Đô thị, nhưng quy hoạch sử dụng đất lại ở trong Luật Đất đai. Trong khi đó, ở Luật Xây dựng, ngoài nói quy hoạch còn nói đến quy hoạch vùng. 3 luật đều có quy định riêng về quy hoạch và không thống nhất với nhau. Ngoài ra chưa kể đến quy hoạch ngành như quy hoạch hàng không, quy hoạch đường sắt, đường bộ, đường thủy… rồi quy hoạch ngành nông nghiệp…
Mỗi quy hoạch lại có một phương hướng khác nhau nên quy hoạch chung đô thị bị tác động là không thể tránh khỏi. “Nếu không có một quy hoạch tích hợp sẽ rất rối. Thí dụ, đường cáp điện, viễn thông, hệ thống cấp nước phải liên hệ với thoát nước, rồi thoát nước phải liên hệ với rác, hoặc làm đường sắt phải tính đến đường bộ, làm đường bộ phải tính đến đường không…” - TS. Liêm cho biết.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu định cư, tư duy ý chí quy hoạch đô thị đã tạo nên hơn 1.700 dự án đô thị đắp chiếu, nợ đọng BĐS làm chao đảo nền kinh tế. Và đáng buồn nhất là thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa hình thành để đáp ứng cho 60% dân lao động thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng.
Quản lý yếu
Bên cạnh việc rối rắm trong quy hoạch, quản lý đô thị yếu kém cũng là một trong những lý do khiến bộ mặt đô thị ngày càng nham nhở và phát sinh nhiều vấn đề. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang thực sự có vấn đề.
Cụ thể, không khó để thấy hàng loạt nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM xây dựng với mật độ dày đặc, nhấp nhô, khấp khểnh, vi phạm quy hoạch đã được duyệt và quy hoạch hiện hành, đặc biệt ở các khu trung tâm, những mảnh đất vàng. Điều này đặt dấu hỏi về việc cấp phép cũng như tình trạng xin - cho hiện nay.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, ông Phạm Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND TP Hà Nội, cũng cho rằng công tác quản lý đô thị cần phải có sự điều chỉnh và thật quyết liệt. Lấy thí dụ Hà Nội đang thực hiện năm văn minh đô thị, tuy nhiên trên những tuyến đường mới và đắt giá như Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, hàng quán lấn chiếm vỉa hè vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí có những ngôi nhà nghiễm nhiên nằm giữa ngã tư giao cắt của 2 con đường, ông Nam cho rằng điều này không thể đổ cho quy hoạch mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Trên thực tế, những vấn đề yếu kém trong quản lý đô thị đã được mổ xẻ rất nhiều lần, tuy nhiên, kết quả thu được không như mong muốn. Còn nhớ cách đây vài năm, Hà Nội từng đặt ra nhiều chỉ tiêu dành cho đô thị đến năm 2015, như diện tích đất dành cho giao thông tăng thêm 0,8-1% đất đô thị/năm (đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 1-12% diện tích đất đô thị); diện tích đất cây xanh bình quân đạt 7m2/người; sản xuất, cung cấp nước sạch với công suất 1,1 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch 100% với lượng nước sạch bình quân 150 lít/người/ngày đêm… Tuy nhiên cho đến nay, chỉ riêng việc xử lý nguồn nước sạch, Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nhức đầu, còn tỷ lệ cây xanh có lẽ vẫn chỉ là mơ ước.
Những căn nhà xây dựng lô nhô tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |