Phát hành trái phiếu xây dựng nhà ở xã hội

Cập nhật 01/09/2014 09:31

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa làm việc với UBND TP.Hà Nội về vấn đề giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, học sinh và sinh viên.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa làm việc với UBND TP.Hà Nội về vấn đề giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, học sinh và sinh viên.
 

TP Hà Nội có thể sẽ phát hành trái phiếu Thủ đô xây dựng nhà ở xã hội.

Đến nay, trên địa bàn có 60 khu đất, dự án dành để phát triển nhà ở xã hội với khoảng 348,75ha. TP cũng chủ động bố trí 325,78ha đất theo quy hoạch đô thị và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội thực tế trên địa bàn với 11 dự án, khu đất dành để xây dựng nhà ở thu nhập thấp; 12 dự án, khu đất dành để xây dựng nhà ở công nhân; 8 dự án nhà ở sinh viên trong khuôn viên đất các trường ĐH, CĐ; 16 dự án nhà ở xã hội được chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại…

Hà Nội hiện có 66 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã và đang triển khai với 5.016.977m2 sàn xây mới. Trong đó, có 44 dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, tương đương 37.800 căn hộ; 10 dự án xây dựng nhà ở sinh viên với 362.775m2 sàn xây dựng, đáp ứng cho 39.114 sinh viên; 12 dự án nhà ở công nhân.

Nhưng có không ít công trình phải dừng tiến độ. Ngược lại, một số dự án nhà ở công nhân quy mô lớn đã hoàn thành một phần nhưng chưa có nhiều công nhân thuê ở. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn tài chính.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP Hà Nội có thể sẽ phát hành trái phiếu Thủ đô. Hà Nội cũng đã rà soát các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời yêu cầu các ngành làm việc cụ thể với các khu công nghiệp để nắm bắt nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, thành phố đặc biệt lưu ý triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của công nhân tại các khu nhà ở. Bởi lẽ, hạ tầng còn thiếu cộng với công tác quản lý, vận hành có vấn đề là lý do khiến nhiều người không mặn mà ở trong các khu nhà này. Những bất cập này cần xử lý dứt điểm.

UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục cho vay; cho phép các đối tượng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội trước ngày 7//2013 được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, sửa đổi Luật Nhà ở bắt đầu từ việc bổ sung chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần hình thành các quỹ tài chính, tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở giúp người thu nhập thấp có nhiều kênh có thể vay để thuê, thuê mua quỹ nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư