Phải trưng mua tài sản trên đất bị thu hồi

Cập nhật 16/03/2013 08:16

“Nói thẳng ra là chúng ta đã làm sai. Đất thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền thu hồi. Nhưng tài sản trên đất là sở hữu của người dân. Như vậy, phải cùng lúc có hai cơ chế...

Quyền sử dụng đất được coi là quyền tài sản thì việc thu hồi đất có còn phù hợp?

“Nói thẳng ra là chúng ta đã làm sai. Đất thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền thu hồi. Nhưng tài sản trên đất là sở hữu của người dân. Như vậy, phải cùng lúc có hai cơ chế: dưới thì thu hồi, trên thì trưng mua. Tuy nhiên, khi thu hồi đất chúng ta lại thu hồi luôn nhà” - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt phát biểu trong Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổ chức, ngày 15-3.

Thu hồi đất, “bứng” luôn nhà

Theo ông Kiệt, cần sửa quy định về trưng mua tài sản trên đất khi thu hồi đất để phù hợp với dự thảo Hiến pháp. Ông cho hay thực tế quỹ đất chia làm hai loại: Một do Nhà nước quản lý cả về lý thuyết lẫn thực tế. Còn lại là do người dân tự mua bằng tiền của mình hoặc cha mẹ để lại. “Loại đất này tuy cũng mang tiếng thuộc sở hữu toàn dân nhưng nội hàm thì không, do vậy phải có chế độ đối xử khác. Thế nhưng chính sách hiện hành đang gom cả hai thành một” - ông Kiệt nhận xét.

Thu hồi đất xây dựng, chỉnh trang khu vực kênh Lò Gốm, quận 6, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hoàng, cho rằng cách quy định sở hữu đất đai như dự thảo sẽ tiếp tục dẫn tới phức tạp. Điển hình là đang phát sinh vấn đề lớn: Quyền sử dụng đất được công nhận là quyền tài sản của người dân thì việc thu hồi đất còn phù hợp không hay phải trưng mua, trưng dụng?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thì cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp, các nước khác cũng thế. Quan trọng là xử lý quyền, nghĩa vụ của người dân cũng như phân vai của Nhà nước sao cho rõ ràng. Tuy nhiên, ông Châu cũng rất phân vân với khái niệm thu hồi đất, bởi về bản chất thì người sử dụng đất đã là chủ sở hữu do có đủ ba quyền năng của sở hữu là chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Bỏ hạn điền, kéo dài thời gian giao đất

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Chánh Trực đề nghị Luật Đất đai phải có một chương riêng về thu hồi đất, trưng mua, trưng dụng. “Vừa qua có tình trạng thu hồi đất mang tính cưỡng ép, trưng thu trá hình theo lợi ích của nhóm doanh nghiệp. Tôi kiến nghị chỉ thu hồi đất trong trường hợp tối cần thiết khi phục vụ cho lợi ích công cộng” - ông Trực phát biểu.

Giám đốc Sở QHKT Trần Chí Dũng cũng đồng tình cần giới hạn lại một số dự án kinh tế-xã hội được thu hồi đất. “Dự án phát triển kinh tế nhưng phục vụ cộng đồng, mang tính phúc lợi thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật cần bổ sung quy định các chính sách về quyền của người dân trong vùng quy hoạch khi chưa thu hồi” - ông kiến nghị.

Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm về việc bỏ hạn điền, bỏ khung giá đất, kéo dài thời gian giao đất. “Đất đai phải tích tụ tập trung để phát triển sản xuất lớn nhưng lại hạn điền là như thế nào?” - ông Trực thắc mắc.

Ngày 15-3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đa số đại biểu đồng tình với dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, phải làm rõ khái niệm sở hữu toàn dân và đại diện chủ sở hữu. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai, xử lý tận gốc việc khiếu kiện kéo dài. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị luật sửa đổi cần đặc biệt lưu ý đến việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đất đai.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP