Phải đấu giá đất để phát triển đô thị

Cập nhật 08/10/2011 10:55

Việc chính quyền trực tiếp giao đất cho chủ đầu tư dễ tạo ra những lỗ hổng để người ta thu lợi. “Tới đây, đất làm đô thị phải được mang ra đấu giá. Quy định này sẽ có trong dự thảo Luật Đô thị được trình Quốc hội vào năm 2012”

Việc chính quyền trực tiếp giao đất cho chủ đầu tư dễ tạo ra những lỗ hổng để người ta thu lợi. “Tới đây, đất làm đô thị phải được mang ra đấu giá. Quy định này sẽ có trong dự thảo Luật Đô thị được trình Quốc hội vào năm 2012” - bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Hội thảo Phát triển đô thị bền vững do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7-10.

Giao đất trực tiếp gây thất thu lớn

* Việc chính quyền không đưa đất ra đấu giá công khai mà giao trực tiếp cho nhà đầu tư đã gây thất thu như thế nào, thưa bà?

+ Bà Đỗ Tú Lan: Đất sau khi có quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng thì giá sẽ khác rất nhiều so với đất trước đó, nhất là đất ở hai bên đường. Kinh tế của chúng ta đang theo cơ chế thị trường, đất làm đô thị phải do thị trường điều tiết. Vì vậy, tới đây đất làm đô thị phải đưa được ra đấu giá, rồi từ đó thu chênh lệch địa tô - là tiền lời thu được sau khi trừ đi số tiền Nhà nước đã đầu tư. Số tiền thu được này sẽ được dùng để đầu tư trở lại cho đô thị.

Như vậy, nếu không đấu giá, đấu thầu thì làm sao làm rõ được chênh lệch địa tô. Trong thời gian dài vừa qua, ta chưa kiểm soát được chênh lệch địa tô nên lợi ích hầu hết chảy vào túi các nhà đầu tư. Tới đây, việc này sẽ phải làm rất chặt chẽ và gần như tất cả các khu vực phát triển đô thị đều phải đưa đất ra đấu giá.

Sẽ đưa vào dự thảo Luật Đô thị

* Vậy phải làm sao để buộc các địa phương đưa đất vào đấu giá, thưa bà?

+ Quy định trên sẽ được đưa vào dự thảo Luật Đô thị, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2012. Đây là công cụ để quản lý đô thị. Khi đã được quy định trong luật thì các địa phương buộc phải thực hiện. Trong Luật Đô thị sẽ quy định, sau khi có quy hoạch tổng thể phát triển đô thị sẽ có kế hoạch phát triển từng khu vực. Đối với khu vực có vị trí tốt, có lợi thế thì cần phải kiểm soát chặt và việc tổ chức đấu thầu là đương nhiên. Còn những nơi khó thu hút đầu tư cần phải khuyến khích nhà đầu tư tham gia chứ không đánh đồng như hiện nay.


Đất làm đô thị cần đưa ra đấu giá để tạo sự minh bạch và tăng nguồn thu cho đô thị. Ảnh: Hoàng Vân

Luật Đô thị cũng sẽ quy định rõ: Sau khi đấu giá đất, phần chênh lệch địa tô được kiểm soát và giải quyết như thế nào để phát triển đô thị. Luật này cũng chỉ rõ quyền lợi và nghĩa vụ giữa chủ đầu tư thứ nhất và các chủ đầu tư tiếp theo trong việc đầu tư vào đô thị. Sự tham gia của cộng đồng, người dân trong việc phát triển đô thị cũng được xác định đầy đủ.

Trên thực tế, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đã đưa một số đất đô thị vào đấu giá. Đặc biệt, Đà Nẵng đã làm khá tốt công việc này.

* Ở nước ngoài người ta có làm như thế không, thưa bà?

+ Đối với các nước, đất đai là một trong những nguồn lực để họ phát triển. Tiền phát triển đô thị được lấy từ ngân sách và của tư nhân. Đặc biệt, ở nước ngoài tư nhân đầu tư vào đô thị rất nhiều và đó thường là những tập đoàn lớn.

Khó cũng phải làm

* Thực tế cho thấy chính quyền thích giao đất cho chủ đầu tư hơn là đưa đất ra đấu giá. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng với cách làm đó quan chức dễ “kiếm chác” hơn?

+ Không phải tất cả đều vậy. Nhưng khi chính quyền trực tiếp giao đất cho chủ đầu tư thì ở đó dễ có những lỗ hổng để người ta thu lợi. Nhà đầu tư và người có chức quyền có thể thông đồng với nhau để chia sẻ lợi ích.

Mặt khác, hiện nay việc đấu giá đất làm đô thị không phải là quy định bắt buộc nên các địa phương tự chọn cách làm. Có nơi ít lợi thế nên chính quyền tạo môi trường “dễ dãi” để hút nhà đầu tư vào. Tuy nhiên, có những nơi đất rất có giá, nhiều nhà đầu tư muốn tham gia nhưng địa phương cũng không đưa đất ra đấu giá mà để mạnh ai nấy vào. Nhà đầu tư nào nắm được thông tin và xin nhanh thì có đất.

* Với cách làm mới, tiền thu được từ đất để phát triển đô thị sẽ nhiều hơn nhưng lợi ích của một số người có chức quyền lại giảm đi. Vì vậy, việc này sẽ khó thực hiện trên thực tế?

+ Tất nhiên là sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng tôi tin điều này sẽ được người dân và các nơi ủng hộ. Chúng ta làm như vậy là vì lợi ích chung mà.

Xin cảm ơn bà.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Tham nhũng nhiều nhất ở việc cấp đất dự án

Nhiều người có chức quyền thích giao đất trực tiếp cho chủ đầu tư hơn là đưa đất ra đấu thầu bởi khi đó các chủ dự án phải cầu cạnh họ. Còn nếu chính quyền chủ động đưa đất ra đấu giá thì làm sao có người cầu cạnh nữa. Chính việc cấp đất dự án làm phát sinh tham nhũng nhiều nhất.

Chúng ta đã hỏi Trung Quốc: “Vì sao Thẩm Quyến, Phố Đông… phát triển nhanh và hiện đại thế?”. Câu trả lời là: “Tiền làm các TP ấy đều lấy từ tiền bán đất trong chính TP đó”. Lâu nay đô thị của chúng ta nhếch nhác, bề bộn cũng chỉ vì thiếu tiền. Để khắc phục điều này cần đưa đất làm đô thị ra đấu giá. Nguồn tiền lớn thu được từ đấu giá đất sẽ dùng để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP