Phải chuẩn bị tốt tái định cư cho dân

Cập nhật 05/03/2010 13:10

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư xây dựng tổ chức hôm qua 4.3.


Chung cư Tân Mỹ (Q.7), một trong những công trình phục vụ tái định cư của TP.HCM - Ảnh: Minh Nam.
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư xây dựng tổ chức hôm qua 4.3.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham dự của các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo 63 tỉnh thành, đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

"Một trong những vấn đề quan trọng trong năm 2010 là phải làm tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Việc huy động, sử dụng có hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát, tiêu cực các nguồn vốn đầu tư phát triển, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra", Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy khi mở đầu hội nghị.

Huy động nhiều, giải ngân thấp

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép Công ty cổ phần B.O.T cầu Phú Mỹ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với sự bảo lãnh của Chính phủ. Việc phát hành trái phiếu này nhằm huy động 700 triệu USD vốn đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2, cầu đường Nhơn Trạch và tuyến xe điện mặt đất số 1 Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cách làm mới này. Tuy nhiên, để tránh những vấn đề phát sinh sau này, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan xem xét, hướng dẫn TP.HCM thực hiện.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc thông báo: Ước thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt khoảng 704,2 nghìn tỉ đồng, bằng 42,8% GDP (kế hoạch đề ra là 39,5% GDP), tăng 15,3% so với 2008.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phúc nhìn nhận, dù việc giải ngân nguồn vốn đầu tư XDCB năm 2009 đã được đẩy nhanh hơn so với các năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với yêu cầu đặt ra. Tình trạng chậm tiến độ xây dựng các công trình, dự án tuy có giảm hơn so với các năm trước nhưng vẫn chưa được khắc phục. Qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tỷ lệ dự án chậm tiến độ năm 2009 khoảng 12,7%.

Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh chỉ ra một số bộ và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, như Bộ Y tế, các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Bình Định, Trà Vinh... "Riêng các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 38%, có nơi giải ngân chưa tới 10%, trong đó có các TP lớn. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị dự án của một số địa phương chưa sẵn sàng", Bộ trưởng Ninh nói.

Địa phương "kêu" khó giải phóng mặt bằng

Tham gia trực tuyến, lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, dù đã được tháo gỡ, song công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, việc thường xuyên điều chỉnh các quy định, chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng đã dẫn đến tổng giá trị đền bù tăng lên khá nhiều so với mức phê duyệt ban đầu gây nhiều khó khăn và là nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, việc triển khai Nghị định 69/2009 của Chính phủ (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) đã gây rất nhiều lúng túng cho các chủ đầu tư.

Giải quyết thấu đáo những bức xúc của dân

Kết luận hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những cố gắng của các bộ, ngành và địa phương trong năm qua đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ khuyết điểm của một số địa phương chậm giải ngân, tiến độ triển khai các công trình còn chậm, đầu tư dàn trải..., trong khi chất lượng công trình chỗ này, chỗ khác có vấn đề; làm sai thủ tục, gây thất thoát, lãng phí... "Đây là tiền đóng thuế của dân, cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục những yếu kém này trong năm 2010", Thủ tướng chỉ đạo.

Giải quyết tốt những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề khó, liên quan đến lợi ích của người dân, nên yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước dân. Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường tiếp tục cùng các địa phương rà soát những quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ cho người dân, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Muốn làm được việc này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ phương án tái định cư, để dân lựa chọn; thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước về đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết thấu đáo những bức xúc của dân. Đồng thời thực hiện tốt việc vận động tuyên truyền nhân dân thấy rõ việc thực hiện công trình phục vụ vì lợi ích chung.

791 nghìn tỉ đồng cho đầu tư phát triển

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 trên 791 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 41% GDP, tăng 12,3% so với ước thực hiện năm 2009. Trong đó, dự kiến vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm khoảng 15,9%, vốn trái phiếu chính phủ (7,1%), vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (7%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (23%), vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước và dân cư (35,6%), vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (8,3%) và các nguồn vốn khác (3,2%).

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết thêm: Nếu như trước nay mỗi năm thu được 8 nghìn tỉ đồng từ việc đấu giá quyền sử dụng đất thì từ 2008 đến nay, đã thu hơn 40 nghìn tỉ đồng. "Toàn bộ số tiền này được giao hết cho các địa phương để hỗ trợ thu hồi đất, đầu tư dạy nghề, đào tạo, chuyển đổi việc làm cho người bị thu hồi đất", Bộ trưởng Nguyên nói.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên