“Phá băng” thị trường bất động sản

Cập nhật 11/06/2011 08:50

Đầu tư vào BĐS cũng giống như đầu tư vào các lĩnh vực khác. Hãy vì người tiêu dùng hơn nữa, cách thức tốt nhất để nhà đầu tư tiếp cận thị trường hiện nay.

Đầu tư vào BĐS cũng giống như đầu tư vào các lĩnh vực khác. Hãy vì người tiêu dùng hơn nữa, cách thức tốt nhất để nhà đầu tư tiếp cận thị trường hiện nay.

Thị trường bất động sản đang trầm lắng, nhất là khi những cơn sốt cục bộ qua đi nhanh chóng. Kỳ vọng của các nhà đầu tư vào một thị trường mang lại lợi nhuận nhanh theo kiểu “lướt sóng” đã không xảy ra, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


Giao dịch BĐS nhiều nhưng thành công quá ít

Hiện nay, nhu cầu mua và bán vẫn còn nhiều, nhưng giao dịch thành công lại quá ít. Nguyên nhân do chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, lãi suất tăng cao đang có những tác động mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nhất là hàng loạt dự án đưa ra các hình thức khuyến mãi khác nhau mà thực chất là giảm giá bán.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản (BĐS) Hà Nội phân tích: “Hầu hết những dự án BĐS đang dang dở, sắp sửa hoàn thành đều rơi vào tình trạng không có tiền làm tiếp. Dự án được cấp phép nếu không làm sẽ bị thu hồi, hoặc những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện mà hết tiền cũng là áp lực đối với các chủ đầu tư tham gia thị trường với nguồn vốn đi vay”.

Về phía người mua BĐS ít tiền, với mức lãi suất quá cao như hiện nay, ước mơ sở hữu một căn nhà trở nên quá xa vời. GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhìn nhận: “Với mức lãi suất quá cao hiện nay gây bất lợi trước hết cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Bởi vậy, gần như người ta vay để mua rồi lại phải bán đi. Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu về tài chính cũng phải chịu cảnh đi vay như thế”.

Dù vậy, đây lại là thời điểm có lợi cho người có nhu cầu thực. Bởi khi các chủ dự án không có khả năng thanh khoản, đến hạn không đáo nợ được buộc phải chấp nhận bán giảm giá và có nhiều chính sách ưu đãi cho người mua. Bà Phạm Bảo Trâm, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty Cổ phần BĐS Đông Á đánh giá: “Những diễn biến đảo chiều của thị trường gây rất nhiều khó khăn cho người bán vì tính thanh khoản không cao. Muốn bán được, họ phải điều chỉnh giá trị của sản phẩm bán ra cho phù hợp với cầu thị trường và đưa nó trở về gần đúng với giá trị thực. Người mua hiện nay đang có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm”.

Khi nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn, một nguồn vốn nữa cho thị trường BĐS mà các nhà đầu tư có thể khai thác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn này, chúng ta phải hết sức thận trọng, bởi trong lĩnh vực này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sử dụng cách thức huy động vốn từ người tiêu dùng - bán nhà trên giấy. Muốn tận dụng được nguồn vốn này hiệu quả, chúng ta phải có những cơ chế, cần những rào cản kỹ thuật nhất định, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải đưa ra các điểm mạnh của họ có lợi cho phát triển thị trường.

Một trong những nhược điểm của thị trường BĐS là tính chuyên nghiệp không cao. Điều này thể hiện ở chỗ công cụ quản lý còn lỏng lẻo, độ công khai minh bạch chưa thật tốt. Kể cả việc giải quyết vốn, bán hàng, cung hàng cho thị trường, cho người tiêu dùng còn nhiều vấn đề.

Vì vậy, cần tiếp tục hoàn chỉnh thị trường, làm thị trường có độ công khai minh bạch cao hơn, vì quyền lợi người tiêu dùng cao hơn chứ không phải vì quyền lợi của nhà đầu tư, có như vậy chúng ta mới đạt hiệu quả phát triển cao hơn từ thị trường BĐS. Các chuyên gia BĐS cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư BĐS Việt Nam hãy vứt bỏ tư duy đầu tư vào BĐS là siêu lợi nhuận. Chúng ta tiếp nhận tư duy mới là đầu tư vào BĐS cũng giống như đầu vào các lĩnh vực khác. Chúng ta hãy vì người tiêu dùng hơn nữa, nhà đầu tư như vậy sẽ có chỗ đứng trong tương lai và đây được cho là cách thức tốt nhất tiếp cận thị trường hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV