Ông trùm nhà giá rẻ: 'Cứu bất động sản biết bao tiền cho đủ?'

Cập nhật 14/02/2013 09:15

Tôi cho rằng thị trường năm nay vẫn khó khởi sắc. Có 2 lý do. Một là doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thứ 2 là người mua không còn nhiều, những khách có tiền thì đều đã mua rồi. Những năm về trước, những nhà đầu tư thứ cấp chiếm tới 70% trên thị trường, người có nhu cầu thực chỉ chiếm 30%. Giờ bất động sản không phải kênh đầu tư hời như trước được nữa nên họ cũng bớt mặn mà hơn nên giao dịch chắc chắn vẫn ảm đạm.

Từng gây sốc bán nhà giá dưới 10 triệu đồng mỗi mét vuông, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu Lê Thanh Thản nói với VnExpress rằng nên để thị trường bất động sản tự cứu mình khỏi khó khăn hiện nay.

* Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề bất động sản, ông dự đoán như thế nào về thị trường trong năm 2013?

- Tôi cho rằng thị trường năm nay vẫn khó khởi sắc. Có 2 lý do. Một là doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thứ 2 là người mua không còn nhiều, những khách có tiền thì đều đã mua rồi. Những năm về trước, những nhà đầu tư thứ cấp chiếm tới 70% trên thị trường, người có nhu cầu thực chỉ chiếm 30%. Giờ bất động sản không phải kênh đầu tư hời như trước được nữa nên họ cũng bớt mặn mà hơn nên giao dịch chắc chắn vẫn ảm đạm.

Phong thái giản dị của ông "trùm" xây nhà giá rẻ. Ảnh: Tiền Phong

* Theo ông, giải pháp tốt nhất để vực dậy bất động sản là gì?

- Tôi cho rằng, hiện chính sách không cứu được, nên để thị trường tự điều chỉnh. Theo đó, doanh nghiệp phải tự hạ giá xuống và bán sản phẩm, thậm chí là cắt lỗ. Còn Chính phủ cứu thì biết bao nhiêu tiền cho đủ.

Còn nếu thực sự muốn tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở thì có một cách mà Quảng Ninh đã làm tôi cho là khá hiệu quả. Nhà nước cấp đất, các cơ quan tự đứng ra tổ chức xây dựng, những cán bộ nào thu nhập thấp chỉ phải nộp một phần tiền nhà, còn lại cơ quan bỏ ra để hỗ trợ. Nếu cơ quan không có tiền sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để cho cán bộ công nhân viên vay tiền. Sau đó thu tiền lương trừ dần. Giá nhà vì thế rất rẻ chỉ khoảng 4 triệu một m2. Hiện địa phương này đã thực hiện khá thành công phương pháp trên.

* Nổi tiếng trong năm 2012 nhờ việc bán nhà giá rẻ, nhưng kinh doanh như vậy thì lời lãi như thế nào thưa ông?

- Thực ra chúng tôi vẫn có lãi, nhưng lãi ít hơn bởi mục tiêu là giảm lợi nhuận để vượt qua giai đoạn khó khăn. Ví dụ trước lãi 10 đồng thì giờ chỉ lấy 6,7 đồng thôi. Vì càng lấy lãi cao, càng khó bán và hậu quả là ế hàng, tiền thì không thể thu về trong khi người lao động thì ngồi chơi. Lúc đó, đứng giữa việc phải lựa chọn giữa lãi nhiều, ế hàng và lãi ít nhưng bán được hàng, chúng tôi đã chọn đánh nhanh, thắng nhanh, làm lớn nhưng ăn nhỏ để đạt hiệu quả cao hơn.

* Bí quyết nào để ông bán thấp hơn thị trường nhưng vẫn có lãi?

- Tôi cho rằng, một trong những yếu tố tác động đến giá thành của căn hộ là việc vận hành, quản lý của chủ đầu tư. Hiện nay nhiều công ty bất động sản có một bộ máy quản lý quá cồng kềnh nên chi phí xây dựng bị đội lên. Ngược lại, một bộ máy quản lý gọn nhẹ giá thành sẽ giảm đáng kể.

Như chúng ta đã biết một thực tế là tại Việt Nam, tình trạng bớt xén vật liệu, rút ruột công trình, báo giá khống... xảy ra khá phổ biến. Điều này đẩy chi phí xây dựng lên cao và giá thành cũng bị đội lên. Chính vì thế, theo tôi, tình trạng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp không chỉ là do lãi suất ngân hàng, tiền sử dụng đất... mà giá chủ yếu do công tác điều hành, quản lý.

Không phải mới tham gia vào lĩnh vực bất động sản nên tôi cũng biết, nếu quản lý lỏng lẻo thì ở khâu vật tư và ký hợp đồng có thể khiến giá thành đội lên gấp đôi so với thực tế. Nếu doanh nghiệp tinh giản được bộ máy quản lý nhanh, gọn, vật tư vật liệu chặt chẽ thì sẽ có giá đầu ra hợp lý.

* Ông đã áp dụng kinh nghiệm trên vào việc điều hành doanh nghiệp của mình như thế nào?

- Tôi chỉ đạo trực tiếp quá trình thi công dự án, không qua một trung gian nào. Ngay từ khâu thiết kế, chúng tôi tự làm lấy. Thường thì một chung cư chi phí thiết kế lên tới hàng chục tỷ đồng, trong khi nếu tự làm chúng tôi chỉ mất khoảng 600 triệu đồng. Một số doanh nghiệp còn thuê thiết kế ngoại mất cả triệu đô khiến chi phí đội lên cao.

Bên cạnh đó, tôi không xây dựng phòng vật tư vì nó chỉ càng làm cho bộ máy cồng kềnh. Tất cả các khâu, đều do tôi hoặc các lãnh đạo khác trong công ty duyệt. Bên cạnh đó, một số vật liệu có thể tự sản xuất được như bê tông thì chúng tôi tự làm, không phải thuê đơn vị nào cả, vừa kiểm soát được chất lượng và giá thành.

Chính vì thế, nếu biết cách điều hành doanh nghiệp, tiết giảm chi phí thì giá thành xây dựng một m2 sàn khoảng 8-9 triệu đồng là bình thường.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress