Cho rằng mình bị thiệt hại vì quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) - đã làm “đơn tố cáo” gửi Thủ tướng và tổng Thanh tra Chính phủ.
Cho rằng mình bị thiệt hại vì quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) - đã làm “đơn tố cáo” gửi Thủ tướng và tổng Thanh tra Chính phủ.
KCN Sóng Thần 3 và đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng (ảnh nhỏ)- Ảnh: N.H.
|
Chủ tịch tỉnh Bình Dương: lãnh đạo tỉnh đang làm việc Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Cung cho biết quyết định vào tháng 10-2009 mà ông Dũng đề cập là ý kiến kết luận và chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy, khi đó ông là phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực nên đã ký ban hành. “Tôi là người bị tố cáo nên vào thời điểm này tôi phát ngôn chưa phù hợp. Hiện nay đồng chí bí thư Tỉnh ủy đang họp Quốc hội sẽ báo cáo tới Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và Bộ Xây dựng. Lãnh đạo tỉnh đang làm việc và sẽ có trả lời chính thức về sự việc này” - ông Lê Thanh Cung cho biết khi được hỏi về những tố cáo cụ thể của ông Huỳnh Uy Dũng. |
Ông Huỳnh Uy Dũng đầu tư KCN Sóng Thần 3 vào năm 2004 và chính thức đi vào hoạt động năm 2008. KCN này có tổng diện tích 533,8ha nằm trong tổng thể khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị rộng hàng ngàn hecta mà tỉnh Bình Dương đang xây dựng.
Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2006, KCN Sóng Thần 3 có 319,7ha dành cho xây dựng nhà máy xí nghiệp, 71,3ha dành dùng làm khu hành chính - dịch vụ - kho bãi và khu ở (rộng 61,5ha). Còn lại là đất xây dựng công trình kỹ thuật, đất để làm đường giao thông và trồng cây xanh.
Thời điểm năm 2004, để có tiền đầu tư KCN Sóng Thần 3, ông Dũng đã huy động hơn 400 tỉ đồng từ 700 cán bộ công nhân viên của Công ty cổ phần Đại Nam thông qua hình thức góp vốn và hứa sẽ nhận được phần đất tương ứng với vốn đóng góp trong “khu ở” 61,5ha của KCN Sóng Thần 3 (Công ty Đại Nam đã chia một nửa trong số 61,5ha này thành 2.000 lô đất).
Tháng 10-2009, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3, ông Lê Thanh Cung (đang giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh) đã ký một văn bản, trong đó có nội dung: “Trong quá trình lập và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của khu hành chính - đất ở, không cho phép chuyển nhượng khu đất ở 61,5ha dưới bất cứ hình thức nào”.
Ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng Công ty Đại Nam đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất ở 61,5ha, đương nhiên được hưởng các quyền kèm theo giấy chứng nhận, trong đó có quyền chuyển nhượng. Ngoài ra trong văn bản nói trên, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty Đại Nam phải xây dựng quy hoạch 1/500 khu đất hành chính - đất ở trước tháng 12-2009 nhưng khi đơn vị này trình lên vào tháng 10-2009 thì tới nay đã gần bốn năm, UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa thông qua và cũng không có phản hồi cho doanh nghiệp.
Vẫn là đất dự án
Theo chúng tôi được biết, từ năm 2009 Công ty Đại Nam đã có văn bản xin tách dự án KCN Sóng Thần 3 thành hai dự án khu đô thị Đại Nam (rộng 136,6ha) và KCN Sóng Thần 3 (rộng 397,2ha). Lúc này, Ban quản lý các KCN Bình Dương và Sở Xây dựng tỉnh đồng ý và đều có tờ trình tới UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương chưa phê duyệt.
Tới tháng 6-2012, Công ty Đại Nam tiếp tục có văn bản về việc xin tách dự án này (có điều chỉnh chút ít). Lúc này Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương mới có văn bản phản hồi cho rằng việc tách dự án này sẽ làm điều chỉnh quy hoạch các KCN trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương nên thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đồng thời hướng dẫn Công ty Đại Nam gửi kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tới Ban quản lý các KCN tỉnh để ban này báo cáo UBND tỉnh. Từ đó tới nay, UBND tỉnh Bình Dương không trả lời cho Công ty Đại Nam biết là có đồng ý hay không.
Về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu 61,5ha, một lãnh đạo Ban quản lý các KCN cho biết theo quy định, khi chưa tách dự án, khu đất ở này vẫn nằm trong tổng thể dự án 533,8ha của KCN Sóng Thần 3 nên vẫn bị coi là đất của dự án công nghiệp, do đó chủ đầu tư chỉ có thể cho thuê mà không thể chuyển nhượng cho người khác. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi tách thành dự án khu dân cư đô thị Đại Nam.
Bộ Xây dựng: thẩm quyền phê duyệt là của Thủ tướng
Bà Trần Thu Hằng, phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết theo quy định, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương rộng hơn 4.000ha đã được Bộ Xây dựng phê duyệt về mặt không gian trên cơ sở ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006. Riêng khu đất hơn 533ha của KCN Sóng Thần 3 do ông Huỳnh Uy Dũng mua lại từ tỉnh nằm trong khu liên hợp và khu đất dịch vụ và đất ở 61ha (nằm trong khu 533ha), thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thuộc về UBND tỉnh Bình Dương. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 này được quy định rõ trong nghị định 29 của Chính phủ năm 2008 về KCN, khu chế xuất, khu kinh tế. Riêng việc điều chỉnh diện tích của phần đất 61ha lên thành 136ha làm khu mở rộng khu ở - chuyển KCN thành khu đô thị, giảm diện tích KCN hơn 533ha xuống còn hơn 300ha, thẩm quyền phê duyệt không phải của tỉnh lẫn Bộ Xây dựng mà hoàn toàn do Thủ tướng quyết định.
Về việc bộ có nhận được kiến nghị, đề xuất nào từ phía UBND tỉnh Bình Dương xung quanh việc điều chỉnh quy hoạch KCN Sóng Thần 3, bà Hằng cho biết theo quy định, văn bản từ UBND các tỉnh đều được bộ trả lời đầy đủ. “Việc tỉnh đã có kiến nghị lên bộ hay chưa tỉnh nắm rõ hơn ai hết, phía bộ do thời gian trôi qua từ lâu nên muốn biết chính xác cần phải có thời gian dài để rà soát hệ thống văn bản đồ sộ qua đường công văn trong nhiều năm rất phức tạp. Trong vụ việc này, phía tỉnh cần trả lời rõ cho người kiến nghị nắm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm trong điều chỉnh quy hoạch. Phần nào liên quan đến bộ, UBND tỉnh kiến nghị, bộ sẵn sàng trả lời đầy đủ, kịp thời” - bà Hằng khẳng định.