Ở xã thuần nông không còn đất làm nông

Cập nhật 19/05/2009 01:15

Ông Bùi Văn Vận, phó chủ tịch xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội khoát tay: “Ra khỏi trụ sở xã là đất đô thị hết rồi. Mất hết đất bây giờ người dân làm gì để sống đây?” Câu hỏi của ông Vận và cuộc sống...

Ông Bùi Văn Vận, phó chủ tịch xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội khoát tay: “Ra khỏi trụ sở xã là đất đô thị hết rồi. Mất hết đất bây giờ người dân làm gì để sống đây?” Câu hỏi của ông Vận và cuộc sống của người nông dân trong xã mất 100% đất nông nghiệp này đưa đến câu chuyện day dứt về chính sách an sinh cho người nông dân hiện nay.

Sau trận mưa dữ dội buổi sáng, con đường vào xã An Khánh trở nên lầy lội. Nhưng nhà cửa của người dân ở đây lại khang trang hơn cả phố xá. Nhà ống có, biệt thự cũng có. Nằm trong ngõ lắt léo tại thôn An Thọ là nhà ông Nguyễn Văn Lục đã xây trát xong phần thô từ năm ngoái nhưng do thiếu tiền nên chưa hoàn thiện. Tiếp chúng tôi câu đầu tiên ông Lục đã thanh minh: “Đấy, có tí tiền đền bù ruộng bỏ ra xây nhà, đang xây dở thì hết tiền cũng không dám đi vay vì không có mà trả”.

Hết đất tiền cũng hết

Gia đình ông Lục hiện có bốn người lớn và hai cháu nhỏ. Số tiền mấy trăm triệu xây nhà có được từ khoản đền bù sáu sào ruộng (2.160m2) rải rác từ năm 2001 tới nay tích cóp lại. Hai vợ chồng ông thì đã già, con trai và con dâu từ ngày mất ruộng không có việc làm cũng chỉ đi làm thuê làm mướn. Con trai ông Lục là Nguyễn Văn Chính đi đánh vécni thuê nhưng hiện giờ không có việc, con dâu là Bùi Thị Hường cũng đi làm mấy việc lặt vặt nhưng thi thoảng mới có việc. Ông Lục cho biết: “Thu nhập của cả gia đình tôi bây giờ là 700.000đ/tháng chả còn thêm thắt được tí gì, đủ tiền mua gạo”.

Bấm ngón tay nhẩm tính, gia đình ông mỗi tháng ăn hết ít nhất là 70kg gạo. Ngày còn cấy sáu sào ruộng mỗi vụ cũng được hơn một tấn thóc, không bao giờ lo đói. Nhưng bây giờ, ruộng đã bị lấy hết mỗi tháng cũng phải mất 500.000đ mua gạo, chưa kể tiền tiêu pha. Không có người gọi mướn việc là đói.

Nhà Vương Văn Thú cùng ở thôn An Thọ từ năm 2001 tới nay cũng đã bị thu hồi tất cả bảy sào ruộng. Tiền đền bù do bị thu hồi đất trả rải rác từ năm 2001 tới nay, Thú xây xong cái nhà giờ cũng hết. Đất hết, tiền hết, việc làm không, hiện giờ Thú ở nhà quanh quẩn trông con để vợ đi may tại La Phù. Vợ đi làm tuy lương được mấy trăm ngàn mỗi tháng nhưng có tiền đong gạo. Còn 4m2 đất trước cửa nhà Thú tận dụng để trồng rau đỡ phải mua. “Không còn đất là không còn gạo, không còn việc làm. Thậm chí chúng tôi không có tiền để trả tiền điện vì không còn rơm rạ để nấu cơm như trước đây. Mỗi tháng bình thường cũng hết 100.000 – 200.000đ tiền điện”, Thú than thở.

Hỗ trợ có giúp được dân?

Mặc dù chưa được trên cấp ngân sách về nhưng xã An Khánh cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho những nông dân bị mất đất. Từ năm 2001 tới nay cũng chỉ tổ chức được sáu lớp với khoảng 230 lao động, chủ yếu nghề may công nghiệp, chăm sóc hoa cây cảnh… Ông Vận khẳng định, người dân thất nghiệp, trên không đầu tư thì xã sẽ đầu tư.

Nhưng vấn đề ở chỗ, chính người dân cũng không đăng ký tham gia những lớp học này. Học ngắn hạn cũng chỉ mới vỡ vạc, học ra làm ở đâu, làm cái gì sau khi học là lý do khiến người dân không thiết tha với các chương trình đào tạo miễn phí này.

Để hỗ trợ những nông dân mất đất sản xuất, mới đây Hà Nội đã thành lập quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho người dân bị thu hồi từ 30% đất nông nghiệp trở lên. Người dân đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ học nghề với mức kinh phí được hỗ trợ tối đa là sáu triệu đồng. Mặc dù bị mất 100% đất sản xuất nông nghiệp nhưng người dân ở xã An Khánh không thuộc diện được nhận hỗ trợ vì theo quy định, chỉ những người bị thu hồi đất sau ngày 1.7.2008 mới được.

Nguyễn Thế Nguyên kể, khi người dân xã An Khánh đến lấy tiền đền bù đất không nhiều người có thể ký được tên mình mà phải điểm chỉ. Quá nhiều người còn chưa tốt nghiệp tiểu học thì nói chuyện đi học với họ là một chuyện xa vời. Nguyên cho rằng thay vì hỗ trợ đào tạo, thực tế nhất là đi tìm một nghề phụ đưa về dạy cho người dân trong làng và tổ chức bao tiêu sản phẩm đầu ra thì người dân mới có cơ may có việc và có tiền để sống. Nhưng cho tới nay đây vẫn là ước muốn. Còn người dân đã mất hết mảnh ruộng - công cụ làm việc của mình thì vẫn đang phải ăn đong từng ngày khi họ không có chính sách bảo hiểm, không việc làm, không thu nhập và không có sự trợ giúp hữu hiệu nào.

Ông Vận cho biết, xã An khánh có gần 4.500 hộ gia đình. Năm 2000 xã An Khánh có 510ha đất nông nghiệp nhưng từ đó đến nay đã bị thu hồi 450ha, còn khoảng 60ha tuy chưa có quyết định thu hồi nhưng đã công bố quy hoạch 1/500, xã sẽ mất 100% đất nông nghiệp trong không lâu nữa. Hiện tại cả xã có 7.924 lao động bị mất đất nông nghiệp thì có tới 5.066 người không có việc làm.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị