Ở nhà xã hội đi Lexus: Người nghèo "bao cấp" người giàu?

Cập nhật 17/03/2015 08:30

Việc tăng diện tích nhà ở xã hội chính là vẽ đường cho hươu chạy, bắt người nghèo đóng tiền mua chỗ cho nhà giàu để ô tô.

Việc tăng diện tích nhà ở xã hội chính là vẽ đường cho hươu chạy, bắt người nghèo đóng tiền mua chỗ cho nhà giàu để ô tô.

Người nghèo 'bao cấp' người giàu?

Trao đổi về dự thảo về Nghị định phát triển quản lý nhà ở xã hội (NOXH) của Bộ Xây dựng trong đó có quy định tăng diện tích tối đa NOXH lên 90m2, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, từng cho rằng phải chấp nhận luật có khe hở, có thể bị người giàu lợi dụng.

Một biểu hiện của khe hở này chính là hiện tượng người giàu ở nơi dành cho người nghèo khi chủ nhân của nhiều căn hộ NOXH ở Sài Đồng (Long Biên), Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội)... lại sở hữu xe sang như Lexus, trị giá gấp 2-3 lần giá trị căn hộ được báo chí phản ánh trước đó.

"Nguyên tắc của NOXH là diện tích để xe vừa đủ và không có chỗ để ô tô nhưng những dự án đó chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang NOXH, chưa điều chỉnh lại diện tích để xe và khi bán, chúng không đủ sức để chọn lọc, lựa chọn đúng đối tượng NOXH nên xảy ra tình trạng như vậy", ông Nguyễn Văn Đực nói.

Tuy nhiên, ông Đực cho rằng, không vì luật có khe hở và người giàu, có thế lực tìm cách lách khe hở mà vội vã từ bỏ NOXH, thay vào đó phải tìm cách điều chỉnh để người ta không có cơ hội lợi dụng nữa.

"Ví dụ, ngay từ đầu, trong thiết kế NOXH không có nhiều diện tích để xe ô tô, hay quy định người đi ô tô không được ở NOXH, đồng thời việc xét duyệt phải kỹ càng hơn", ông đề xuất.

Xe ô tô bủa vây khu nhà ở xã hội Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Tiền phong

Dẫn ví dụ ngay dự thảo về Nghị định phát triển quản lý NOXH, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng quy định tăng diện tích tối đa NOXH lên 90m2 đã "vẽ đường cho hươu chạy" bởi đáng lý ra diện tích NOXH phải nhỏ hơn nữa, thậm chí là 100% căn hộ có diện tích 25-30m2.

"Đằng này Bộ Xây dựng khống chế căn hộ 25-30m2 chỉ có 10%, cho phép căn hộ trên 70-90m2 cũng chiếm 10%. Đây là một cái sai của Bộ! Một căn hộ 90m2 có thể chia làm 3 căn nhà diện tích 30m2 cho 3 hộ nghèo, còn giờ họ để căn hộ thu nhập thấp 90m2 cho người đi Lexus lại là một cái sai nữa".

Ông Đực thẳng thắn, cái sai này có thể lý giải phần nào do một số dự án nhà ở thương mại tìm cách thuyết phục Bộ Xây dựng mở rộng diện tích lên. Mặt khác, Bộ Xây dựng muốn tiêu thụ hết gói 30.000 tỷ đồng nên mới diện tích NOXH lên 90m2.

"Chỉ có hai lý do này khiến Bộ Xây dựng bỗng nhiên mở rộng diện tích NOXH thay vì siết chặt lại, giống như tôi nói ở trên, phải siết diện tích để xe lại. Diện tích tầng hầm để xe càng lớn thì giá thành mỗi mét vuông xây dựng sẽ bị chủ đầu tư tính càng đắt hơn. Cuối cùng người nghèo không có tiền để mua ô tô, phải đi xe gắn máy nhưng lại phải đóng tiền mua chỗ cho người giàu để xe ô tô, tức phải bao cấp cho người giàu".

Triệt để bài trừ tham nhũng, hối lộ

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tượng người giàu ở chỗ dành cho người nghèo buộc cơ quan quản lý phải sâu sát hơn.

"Tại sao người giàu có thể ở chỗ dành cho người thu nhập thấp thì cần phải có sự nghiên cứu. Ở Việt Nam, vấn đề tham nhũng, hối lộ ở đâu cũng có, thành ra phải triệt để bài trừ. Các cơ quan chức năng phải làm đúng nhiệm vụ của mình để chỉ có những người đáp ứng được điều kiện mới có thể mua được căn nhà đó. Đây là vấn đề mang tính chất hành chính chứ không phải thương mại".

Ông Hiếu nhấn mạnh, một chương trình xây dựng NOXH sử dụng tài chính và tài nguyên quốc gia, do đó phải tuân thủ đúng mục đích của nó.

"Người giàu luôn có phương tiện tạo của cải, họ dễ dàng mua được những căn hộ của ngươi nghèo. Trong khi người nghèo không đủ điều kiện tài chính thì với người giàu lại quá dễ dàng, mà ngân hàng bao giờ cũng trải thảm đỏ cho người giàu.

Bởi vậy nếu có chính sách cho người nghèo phải thực hiện đúng, tất cả các  thành phần tham gia, trong đó có ngân hàng, phải ý thức về điều này. Người Mỹ có câu: Tin tưởng là tốt nhưng kiểm soát thì tốt hơn, phải có cơ quan thanh tra giám sát để đảm bảo việc thực hiện đúng".

Còn ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng câu chuyện NOXH tại Việt Nam đặt ra không chưa đúng.

"Quốc tế coi NOXH là chỉ nhà ở cho thuê với giá rẻ, chứ không có loại nhà để bán, dù là bán trả chậm đi chăng nữa. Một khi cho thuê rồi quỹ nhà mới hình thành ổn định.

Bởi thế, theo tôi, chỉ nên có chính sách xã hội về nhà ở giống như chính sách xã hội về y tế, giáo dục. Nhà ở là nhu cầu thiết yếu thì có chính sách giúp cho bên cầu có khả năng thanh toán để mua nhà ở giá rẻ, đồng thời tạo điều kiện cho bên cung sản xuất nhà ở giá rẻ bán cho bất cứ ai có nhu cầu.

Cần lưu ý rằng bán là thu tiền một lần vì người kinh doanh phải quay vòng đồng vốn, không thể ôm lấy việc trả tiền dần. Còn bên cầu mua nhà trả góp là trả cho ngân hàng chứ không phải trả cho người kinh doanh bất động sản. Như vậy mọi chuyện sòng phẳng, rõ ràng, thị trường ra thị trường".


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt