Trường học, nhà cửa bị ngập nước, ruộng vườn bỏ hoang không canh tác được từ nhiều năm nay. Đó là những nỗi khổ mà người dân ấp Bảy Xáng...
Trường học, nhà cửa bị ngập nước, ruộng vườn bỏ hoang không canh tác được từ nhiều năm nay. Đó là những nỗi khổ mà người dân ấp Bảy Xáng, xã Đông Hòa (huyện An Minh, Kiên Giang) đang phải gánh chịu do dự án khu tái định cư U Minh.
Sau khi bị "qui hoạch", diện tích ruộng còn lại của ông Trương Gia Viễn là 12.000m2. Tuy nhiên, gần năm năm nay - từ ngày ban quản lý dự án khu tái định cư san lấp mặt bằng - diện tích này bị bỏ hoang.
Nguyên nhân do được san lấp bằng cát biển nên những mảnh ruộng gần đó đã bị nhiễm mặn, không thể canh tác được. Ông Viễn nhẩm tính mỗi năm ông thu hoạch từ mảnh ruộng này khoảng 20 triệu đồng, như vậy trong năm năm qua ông đã thiệt hại gần 100 triệu đồng!
Ngồi co chân để học
4.000m2 ruộng của chị Châu Thu Thủy, gần 9.000m2 ruộng của ông Trần Minh Trí, hơn 8.000m2 đất của ông Nguyễn Phước Sĩ... cũng không canh tác được từ nhiều năm nay, hoặc nếu làm được thì năng suất rất thấp.
Những thiệt hại này đã không được ban quản lý dự án tính đến. Thậm chí những đoạn kênh thoát nước cũng bị lấp, người dân phải tự hùn tiền đào kênh thoát nước để nước mặn không tiếp tục tràn vào ruộng, vườn.
Cũng từ ngày dự án được san lấp và "treo" tới nay, người dân khu vực này lâm vào cảnh khổ sở vì nhà cửa liên tục bị ngập sâu. Nhà ông Trần Văn Thành ngay sát lộ nhưng vào mùa mưa bị ngập sâu. Ông đem bức xúc của mình lên ban quản lý dự án thì được chỉ ra xã, xã lại chỉ sang ban quản lý.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Không chịu được, ông thuê người khiêng đất để nâng nền. Mặc dù nền đã được nâng, đứng gần đụng mái nhưng mùa mưa vẫn bị ngập.
Khổ nhất là những em học sinh Trường tiểu học Đông Hòa 3. Nhiều năm nay, các em phải ngồi co chân lên ghế để học, giờ giải lao cũng không thể vui chơi do sân trường bị ngập sâu.
Ông Lê Minh Tâm, tổng phụ trách Đội, cho biết các hoạt động vui chơi đều không thể thực hiện được do sân trường bị ngập đến gần 20cm, trường có bảy phòng học thì sáu phòng bị ngập. Nền phòng học do bị ngập liên tục nên thường xuyên sụt lún. Mùa mưa, giáo viên phải ra đào mương thoát nước song chỉ được vài bữa là mương lại bị lấp do khu vực này toàn đất cát.
Chưa biết ở đâu
Theo qui định, mỗi công đất (1.000m2) sẽ được bồi thường 13 triệu đồng đối với đất ruộng và 18 triệu đồng đối với đất vườn có hoa màu. Hộ nào bị thu hồi từ 10.000m2 trở lên sẽ được mua hai nền với giá ưu đãi 30 triệu đồng/nền 100m2. Hộ nào dưới 10.000m2 chỉ được ưu tiên mua một nền với giá ưu đãi.
Anh Nguyễn Văn Tiến cho biết có bảy công đất nằm trong qui hoạch dự án. Như vậy tiền bồi thường gần 3.000m2 ruộng của anh chỉ đủ "mua" 100m2 đất trong dự án! Hiện căn nhà - nơi sinh sống của vợ chồng anh - đang có nguy cơ bị cưỡng chế trong khi anh chưa biết đi đâu để ở.
Anh Tiến cho biết ban quản lý dự án kêu anh đi bắt thăm nền mua giá ưu đãi nhưng có thấy cái nền đó ở đâu mà bắt. Toàn khu này san lấp đã mấy năm nay mà vẫn chưa thấy đường sá, phân lô, làm sao bắt thăm được!
Ông Trương Gia Viễn thẳng thắn: vì sao người dân phải tái định cư ngay trên đất của mình với cái giá không hợp tình hợp lý như thế? Đây là khu tái định cư - tức làm cho dân vào ở sau khi bị giải tỏa - chứ có phải khu đô thị hay thương mại đâu mà bán nền giá cao như vậy.
Không những bức xúc với việc tái định cư trên chính mảnh đất của mình với giá bất hợp lý, nhiều người còn bức xúc việc bồi thường không công bằng, người nhiều người ít trong khi các điều kiện so sánh là tương đương nhau.
Khu tái định cư - đô thị U Minh có tổng diện tích giai đoạn 1 là 130ha. Ông Nguyễn Ngọc Hai - trưởng ban quản lý dự án khu tái định cư - cho biết khu này có 773 nền với tổng kinh phí đền bù và xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới trên 97 tỉ đồng.
Bình quân mỗi nền (100m2) có giá khoảng 150 triệu đồng. "Với những người có đất nằm trong qui hoạch, chúng tôi đã tạo điều kiện để họ mua nền với giá ưu đãi hơn so với giá thực tế" - ông Hai cho biết.
Liên quan việc bồi thường không công bằng theo phản ảnh của người dân, ông Hai cho biết đất khu vực này thuộc quản lý của Nhà nước, tuy nhiên do quản lý không chặt nên nhiều hộ đã bao chiếm.
Song để tạo điều kiện cho người dân di dời, ban quản lý cũng quyết định hỗ trợ bồi thường kiến trúc. Việc bồi thường nhiều hay ít tùy vào cấu trúc của nhà. Việc thẩm định do một đơn vị tư vấn thực hiện dựa trên các qui định của tỉnh.
Ông Hai thừa nhận việc san lấp đã làm tắc nghẽn các kênh thoát nước. Tuy nhiên theo ông, ban quản lý đã đào các kênh tạm để giải quyết tình trạng ngập úng!
Theo Tuổi Trẻ