Nộp tiền để vi phạm?

Cập nhật 24/10/2013 14:42

Các công trình xây dựng sai phép có thể nộp tiền để giữ lại phần diện tích vi phạm vừa được quy định trong Nghị định 121/2013/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh bất động sản (BĐS), quản lý phát triển nhà và công sở, có hiệu lực từ ngày 30-11-2013.

Các công trình xây dựng sai phép có thể nộp tiền để giữ lại phần diện tích vi phạm vừa được quy định trong Nghị định 121/2013/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh bất động sản (BĐS), quản lý phát triển nhà và công sở, có hiệu lực từ ngày 30-11-2013.

Cụ thể, Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121 nêu rõ: hành vi sửa chữa, cải tạo, xây dựng sai phép, xây dựng không phép hoặc xây dựng sai thiết kế đã được duyệt, chủ đầu tư công trình trên bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp. Số lợi bất hợp pháp này được quy định bằng 40% giá trị phần xây dựng trái phép đối với nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần công trình trái phép đối với các dự án đầu tư xây dựng. Sau khi chủ đầu tư nộp đủ tiền, cơ quan chức năng sẽ cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Theo một số chuyên gia xây dựng, khi Nghị định 121 có hiệu lực, vai trò của lực lượng thanh tra xây dựng sẽ bị xem nhẹ. Bởi lẽ chức năng của lực lượng này là kịp thời phát hiện những vi phạm trong xây dựng, trong đó có xây dựng trái phép. Nếu phát hiện công trình đang xây trái phép, thanh tra xây dựng cũng khó xử lý khi quy định cho phép các công trình được quyền nộp tiền để hợp thức hóa phần diện tích sai phạm.

Ngay cả khi chấp nhận sự tồn tại của phần xây dựng sai phép như vượt tầng, thêm diện tích, cơ quan chức năng cũng khó đảm bảo an toàn tuyệt đối của công trình, bởi phần vi phạm nằm ngoài giới hạn an toàn được tính toán từ trước.

Một băn khoăn nữa là quy định trên cho thấy nếu vi phạm cao độ vẫn cho phép tồn tại sau khi đã nộp phạt số lợi bất hợp pháp. Nhưng quy định này chưa tính đến một số khu vực nhạy cảm bị hạn chế số tầng xây dựng cho phép (gần sân bay).

Việc vi phạm chiều cao xây dựng rất nguy hiểm đối với những khu vực bị cấm (hạn chế tầm nhìn của máy bay, tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống trong khu nhà cao tầng ở gần sân bay...), nhưng căn cứ theo quy định trên cơ quan chức năng không thể buộc tháo dỡ mà vẫn phải cho tồn tại.

Mặt khác, việc cho phép tồn tại những công trình xây dựng không phép, sai phép bằng hình thực nộp lại số thu lợi bất hợp pháp bằng 40-50% giá trị xây dựng công trình là đi ngược lại các quy chuẩn xây dựng, phá vỡ quy hoạch đô thị, gián tiếp tạo điều kiện cho người dân vi phạm pháp luật về xây dựng.

Với tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phức tạp như hiện nay, việc có thêm quy định xử lý theo hướng phù hợp với thực tế, nghiêm khắc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật là điều cần thiết. Nhưng những vi phạm mà có thể dùng tiền để “che chắn” thật nguy hiểm. Vì như vậy, pháp luật có thể bị xem nhẹ hơn đồng tiền.
Nguyễn Văn

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Tài Chính