Sau các chuyến làm việc của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đến một số “điểm nóng” tồn kho BĐS là TP. HCM và Hà Nội, thị trường đang mong chờ gói giải pháp cứu BĐS được triển khai trên thực tế. Người trong cuộc là đại diện các DN trong ngành này còn nóng lòng hơn.
Sau các chuyến làm việc của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đến một số “điểm nóng” tồn kho BĐS là TP. HCM và Hà Nội, thị trường đang mong chờ gói giải pháp cứu BĐS được triển khai trên thực tế. Người trong cuộc là đại diện các DN trong ngành này còn nóng lòng hơn.
“Cần có hướng dẫn cụ thể về căn hộ diện tích nhỏ”
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc giải cứu thị trường BĐS gần đây là điều đặc biệt quan trọng. Theo tôi, để có thể cứu thị trường lúc này, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là vấn đề lãi vay cho người mua nhà. Nếu lãi suất giảm xuống 7 - 8%/năm như Thống đốc NHNN đã nói thì sẽ kích thích rất nhiều người có nhu cầu nhà ở ra quyết định mua nhà.
Thứ hai là việc cho phép DN đầu tư dự án thương mại có diện tích nhỏ. Khi sức cầu thấp, việc cho phép DN đầu tư dự án căn hộ diện tích nhỏ là vô cùng cần thiết để tạo thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, theo tôi, nếu cho phép DN được đầu tư dự án thương mại diện tích nhỏ thì nhất thiết phải có hướng dẫn cụ thể đi kèm, vì nếu không sẽ tiếp tục ách tắc.
“Cần phân loại rõ ràng hàng tồn kho”
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ
Muốn giải quyết tồn kho BĐS, cần có sự phân loại rõ ràng. Tôi cho rằng, một sản phẩm BĐS được gọi là tồn kho khi đã hoàn thiện và có thể bàn giao cho khách hàng, nhưng không bán được. Tuy nhiên, trên thị trường, loại sản phẩm này không nhiều.
Một loại sản phẩm BĐS cũng được coi là hàng tồn kho với số lượng rất lớn là những căn hộ thuộc dự án đã làm xong móng và đủ điều kiện bán hàng, nhưng không bán được. Đây chính là nhóm sản phẩm cần “giải cứu” nhất hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phân loại để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Tôi cho rằng, đối với những dự án đã xây xong hoặc sắp xong phần thô nhưng hết vốn để triển khai tiếp thì các tổ chức tín dụng nên xem xét cho vay. Còn đối với các dự án mới khởi công hoặc chưa làm gì cả thì nên xem xét dừng triển khai.
Một vấn đề nữa, theo tôi, các chính sách ưu đãi đang được đề xuất hiện nay hướng mạnh vào các đối tượng người thu nhập thấp, song thực tế số người thu nhập thấp dám vay mua nhà rất ít. Vì vậy theo tôi, nên mở rộng đối tượng cho vay, không chỉ cho vay mua nhà ở xã hội mà cả nhà thương mại.
"DN mong chờ việc triển khai cụ thể"
Ông Hoàng Anh tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng
Sự quan tâm của Chính phủ đối với thị trường BĐS tạp ra sự kỳ vọng cho DN và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ chủ trương đến giải pháp thực hiện cần triển khai nhanh. theo tôi, để vực dậy thị trường, chính sách cho người mua nhà được vay vốn với lãi suất thấp có ý nghĩa quan trọng, song quan trọng hơn vẫn là khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Bởi thực tế, hiện nay dòng tiền còn trong dân rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn có tâm lý đợi giá giảm tiếp... Vì vậy, nếu niềm tin được khôi phục, dòng tiền sẽ được chảy vào.
“Quan trọng là khôi phục niềm tin”
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn
Theo tôi, hai vấn đề quan trọng tác động đến thị trường hiện nay là tín dụng và tâm lý người tiêu dùng, trong đó, quan trọng nhất là niềm tin người tiêu dùng. Thời gian qua, chúng tôi bán các dự án BĐS, đưa ra chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà với lãi suất chỉ còn 5%/năm, thậm chí 0%, nhưng vẫn không thu hút được nhiều khách hàng. Lý do, người mua nhà vẫn chần chừ, chợ đợi giá giảm tiếp. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất để khơi thông thị trường thời gian tới là khơi thông được tâm lý người tiêu dùng.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư