Theo Công văn 8844/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, có 4 nhóm đối tượng dư nợ bất động sản được loại ra khỏi danh sách tín dụng phi sản xuất.
Đó là các khoản vay phục vụ tiêu dùng như sửa chữa nhà cửa, mua nhà ở có nguồn trả nợ là tiền lương, tiền công; vốn vay để hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012; cho vay các dự án xây nhà để bán, nhà cho thuê; xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Động thái này sẽ giúp các tổ chức tín dụng “hoàn thành nhiệm vụ” đưa dư nợ tín dụng xuống mức dưới 16% mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, tại nhiều dự án nhà ở xã hội, khách hàng mua nhà đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả tiền mua nhà, nhiều khách hàng muốn trả lại nhà, thì việc người dân được vay mua nhà đúng là “buồn ngủ gặp chiếu manh”.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc kinh doanh bất động sản Vigracera, quy định ra đời rất đúng lúc, vì nhiều đối tượng được mua nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng đến hạn nộp tiền lại không có tiền nộp.
Đồng quan điểm, ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, thị trường địa ốc sẽ có tác dụng tích cực trong ngắn hạn. Bởi việc nới các quy định tín dụng này có thể kích thích được nguồn cầu đối với những người có nhu cầu thực cần nhà để sử dụng, cũng như các đối tượng mua nhà thu nhập thấp - nhu cầu đang rất cao tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể nói, đây chỉ là “liều thuốc nhẹ” đối với thị trường, bởi hai lẽ: thứ nhất, động thái này mới chỉ tháo gỡ tâm lý đè nặng của việc siết chặt bất động sản; thứ hai, việc này chỉ có tác động tích cực, cụ thể tới một nhóm nhỏ đối tượng được thụ hưởng.
Một số chuyên gia phân tích rằng, cửa mở van tín dụng bất động sản quá hẹp, khu biệt ở những đối tượng riêng lẻ và một số dự án, nên thị trường bất động sản nói chung khó được hưởng lợi. Đứng ở góc độ người mua, đối tượng duy nhất được kích cầu là những cá nhân nhỏ lẻ, nhưng lại bị giới hạn bởi việc trả nợ bằng tiền lương. Bản thân khách hàng, nếu vốn vay vốn ngân hàng căn cứ vào tiền lương thì khoản tiền vay được sẽ rất ít, khó đủ tiền mua được nhà.
Một vấn đề được hầu hết doanh nghiệp quan tâm là nhóm đối tượng chủ đầu tư các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, mốc thời gian áp dụng quy định này quá ngắn, nên nhiều chủ đầu tư không đủ thời gian để xoay xở, hoàn thiện hồ sơ.
“Quy định nguồn vốn vay để hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 là phi lý, bởi chỉ còn hơn 2 tháng. Thời gian này không đủ để làm thủ tục vay”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nói.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn do thiếu vốn thì việc Ngân hàng Nhà nước loại trừ 4 nhóm bất động sản ra khỏi danh sách tín dụng phi sản xuất đã thổi một luồng gió mát cho thị trường, kích thích người dân, doanh nghiệp và cả các tổ chức tín dụng. Việc “nới” tín dụng này dù rất thận trọng, nhưng cũng là thận trọng cần thiết khi “bóng ma” lạm phát vẫn chập chờn.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư