Nới lỏng chính sách nhà ở cho người nước ngoài: Nguồn tiền lớn đổ vào BĐS?

Cập nhật 21/08/2013 10:19

Đây là thông tin tốt nhằm khuyến khích nhu cầu nhà ở tại VN cho người nước ngoài, tăng thanh khoản cho thị trường nhưng đó không hẳn là giải pháp “chữa cháy” hiện nay.

Đây là thông tin tốt nhằm khuyến khích nhu cầu nhà ở tại VN cho người nước ngoài, tăng thanh khoản cho thị trường nhưng đó không hẳn là giải pháp “chữa cháy” hiện nay.

Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội quy định về chương trình thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại VN, có thời hạn 5 năm, đến nay chương trình này sắp hết hạn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 5 năm thực hiện, chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài đã mua nhà tại VN, trong đó 80% là cá nhân. Trong khi đó, hiện có tới 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN.

Việc có rất ít người nước ngoài mua nhà ở VN một phần do chi phí mua nhà ở còn quá cao, và nhiều tiêu chí, điều kiện nhiêu khê, ràng buộc bởi các quy định hiện hành. Vì thế, việc dự thảo sửa đổi điều luật này đang rất được quan tâm, trong đó có việc nới lỏng điều kiện mua và sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, nếu Dự thảo Nghị quyết sửa đổi này được thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2014.

Những thay đổi chính

Mới đây, vào đầu tháng 8, Bộ Xây dựng cho biết đã gửi lên Thủ tướng kiến nghị một số điều kiện nới lỏng điều luật này. Trong đó có nhiều điểm thay đổi đáng chú ý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn rất nhiều.

Theo đó, đối tượng cá nhân người nước ngoài là tất cả những người được cấp thị thực vào VN từ 3 tháng trở lên. Trước đây là ràng buộc bởi 4 điều kiện (có đầu tư trực tiếp vào VN, kết hôn với công dân VN, là lãnh đạo DN, có kỹ năng đặc biệt mà VN cần).

Về đối tượng là tổ chức, cho thêm các quỹ đầu tư, ngân hàng, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài đang hoạt động tại VN được mua và sở hữu nhà, chỉ trừ tổ chức ngoại giao, phi chính phủ.

Hình thức cho thuê lại, bán lại BĐS trước đây không được phép, hiện Bộ Xây dựng kiến nghị người nước ngoài được phép cho thuê lại, bán lại khi không có nhu cầu sử dụng.

Cho phép các đối tượng nước ngoài được sở hữu đa dạng các loại hình, như chung cư, nhà riêng lẻ gồm biệt thự, liền kề. Đối với nhà ở gắn liền với đất thì chỉ được mua trong khuôn viên đất dưới 500 m2. Quy định trước đây là chỉ được sở hữu căn hộ chung cư.

Số lượng bất động sản được sở hữu hiện đang có 2 phương án. Một là cho sở hữu không hạn chế, hai là cho các đối tượng sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở gắn liền với đất. Quy định trước đây chỉ được phép mua 01 căn hộ.

Thời hạn sở hữu cũng có 2 phương án là trong 50 năm và gia hạn tiếp 50 năm. Hoặc không quá 70 năm và không gia hạn. Phạm vi người nước ngoài được sở hữu nhà trên lãnh thổ VN chỉ bị hạn chế tại các khu vực biên giới.

Thu hút nguồn tiền lớn

Theo Bộ Xây dựng việc nới lỏng những điều luật này nhằm khuyến khích đối tượng này vào VN mua nhà ở, tăng thanh khoản, giảm tồn kho bất động sản.

Từ khi thí điểm cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN cho đến nay kết quả đạt được còn rất hạn chế so với tiềm năng về nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng này.

Nguyên nhân chính là do giá mua nhà còn quá cao so với chi phí thuê nhà nên hầu hết các tổ chức, cá nhân người nước ngoài vẫn ưa chuộng hình thức thuê hơn là mua căn hộ.

Theo CBRE Việt Nam, rõ ràng việc gỡ bỏ những hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN là một tin tốt, nhưng đây chưa phải là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề đã và đang tồn tại trong bất động sản.

Nghị quyết sửa đổi nếu được thông qua sẽ thu hút một lượng lớn nguồn tiền nước ngoài vào thị trường BĐS, nhưng đó cũng không phải là nguồn vốn chính cho VN. Người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một giải pháp “chữa cháy”.

Cũng theo CBRE, người nước ngoài đang rất quan tâm và theo dõi sát những sửa đổi của điều luật này, họ sẽ đồng ý mua nhà khi thấy thị trường hồi phục.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ