Từ bán nhà trên giấy
Trao đổi với phóng viên cuối tuần qua, anh Nguyễn Xuân Vịnh ở quận Hà Đông (Hà Nội) ngán ngẩm cho biết, anh nộp tiền góp vốn mua 1 căn hộ hơn 100 m2 tại Dự án Diamond Tower từ năm 2010.
Thời điểm đó, phải qua nhiều “cò” giới thiệu, anh mới biết được chủ đầu tư là CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Thế nhưng, anh không được ký hợp đồng góp vốn trực tiếp với chủ đầu tư, mà phải thông qua CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cen Group) do ông Nguyễn Trung Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Oái oăm ở chỗ, mặc dù nộp đến hơn 700 triệu đồng, nhưng anh Vịnh lại không được cầm bất cứ 1 bản hợp đồng nào ký với chủ đầu tư, mà chỉ có 1 phiếu thu tiền, 1 hóa đơn đỏ và 1 giấy xác nhận niêm phong hợp đồng do ông Vũ ký.
“Họ nói khi nào dự án đủ điều kiện vào hợp đồng mua bán thì sẽ ‘phá’ niêm phong hợp đồng góp vốn để ký lại hợp đồng giữa khách hàng và chủ đầu tư”, anh Vịnh cho biết.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm không thấy dự án có động tĩnh gì, anh đã làm việc với Cen Group đề nghị thanh lý hợp đồng để rút vốn. Phải mất rất nhiều công sức, thời gian và vận dụng nhiều mối quen biết, cuối cùng Cen Group cũng đồng ý thanh lý hợp đồng cho anh với cam kết mỗi tháng sẽ “trả góp” 50 triệu đồng và đến tháng 7/2013 sẽ kết thúc.
“Cam kết là vậy, nhưng Cen Group đã không thực hiện đúng, mà tháng có tháng không, thậm chí đến gần đây thì họ rút xuống còn 30 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đến bây giờ tôi mới nhận lại được gần 400 triệu đồng”, anh Vịnh nói và cho biết, đang xem xét để có thể khởi kiện Cen Group trong thời gian tới. Cũng theo anh Vịnh, không chỉ mình anh mà có đến hàng chục khách hàng đang trong tình trạng tương tự.
Đến sang tay dự án vòng quanh
Như báo đã phản ánh, Dự án Chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại lô đất HH3 nằm trong Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh do CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico - SJS) làm chủ đầu tư. Sau đó, Sudico đã chuyển nhượng lại cho CTCP Sông Đà - Việt Đức. Tách khỏi Dự án Nam An Khánh, cả lô HH3 với diện tích 5,57 héc-ta được đóng mác mới với tên gọi Dự án Diamond Tower.
Dự án Diamond Tower đầu năm 2011
|
Hình ảnh dự án sau 1 năm động thổ
|
Hình ảnh tiêu điều của dự án tại thời điểm hiện nay
|
Xuất hiện đúng thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội đang “sốt” những năm 2009, 2010, dự án đã được các chủ đầu tư liên tục chuyển nhượng để kiếm lời. Đầu tiên là việc CTCP Đầu tư Sông Đà -Việt Đức liên doanh với CTCP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land - mã chứng khoán PFL) để thực hiện dự án. Ngay lập tức, dự án được đổi tên thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp dầu khí, dự kiến khởi công vào năm 2010.
Tuy nhiên, chưa kịp khởi công thì PVFC Land đã chuyển nhượng vốn góp tại đây cho Công ty Imico (một công ty trực thuộc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - mã CK: PVX). Vẫn chưa dừng lại ở đó, đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng một phần dự án cho CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC (mã CK: PVV).
“Mập mờ” thương hiệu
Trước hiện tượng “bãi đất trống” mang tên Diamond Tower, báo đã nhận được nhiều đơn thư của khách hàng dự án thắc mắc về việc chủ đầu tư đích thực của dự án này là ai?
Trao đổi với một lãnh đạo của Công ty Vinaconex PVC thì được trả lời bằng văn bản rằng: “Vinaconex PVC là một bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp với đối tác trong Dự án Diamond Tower bằng hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp” và khẳng định, chưa bán bất cứ căn hộ nào tại dự án này?!
Còn ông Hoàng Hữu Tâm, Tổng giám đốc PVFC Land thì khẳng định, Công ty chỉ là một bên đối tác góp vốn thực hiện dự án. Đặc biệt, ông Tâm cho biết, mới đây, CTCP Đầu tư Sông Đà -Việt Đức đã đứng tên để xin chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng nhiều ưu đãi từ gói hỗ trợ vốn 30.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư đích thực của dự án Diamond Tower là Công ty Sudico theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) khi phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 4/2008. Đến tháng 7/2009, Sudico đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án trên cho nhà đầu tư thứ cấp là CTCP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức. Mới nghe, nhiều người lầm tưởng đây là hoạt động chuyển nhượng nội bộ giữa các công ty họ Sông Đà, nhưng về mặt danh nghĩa, trong phần giới thiệu, cũng như danh sách doanh nghiệp thành viên của 2 đơn vị, CTCP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức không có liên quan gì đến Tổng công ty Sông Đà.
Như vậy, tại Dự án Diamond Tower đã có sự xuất hiện của 3 thương hiệu lớn là Sông Đà, Dầu khí và Vinaconex. Điều này lý giải vì sao dự án này có sức hút rất lớn tại thời điểm thị trường đang “sốt nóng” những năm 2009, 2010 như thế.
Tuy nhiên, vấn đề là khi xin chuyển đổi như vậy, quyền lợi của các cổ đông của rất nhiều đơn vị liên quan đang niêm yết trên sàn chứng khoán, cũng như hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn vào dự án này mấy năm nay sẽ được giải quyết ra sao? Liệu việc chuyển đổi Dự án Diamond Tower có được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại
Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng không khi mà có quá nhiều nhà đầu tư thứ cấp cùng ký hợp đồng góp vốn với khách hàng?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã chủ động gọi điện liên hệ với CTCP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức, nhưng vị đại diện Công ty này từ chối cung cấp thông tin liên quan đến dự án bằng thái độ khá khiếm nhã. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những tình tiết mới của dự án này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán