Những sự kiện nổi bật 2014

Cập nhật 25/12/2014 13:16

2014 được đánh giá là năm khởi sắc của thị trường BĐS. Nhiều chính sách mới được ban hành, doanh nghiệp bung “hàng khủng”, tính thanh khoản tăng lên... Bên cạnh đó cũng có nhiều “nốt trầm” khác.

2014 được đánh giá là năm khởi sắc của thị trường BĐS. Nhiều chính sách mới được ban hành, doanh nghiệp bung “hàng khủng”, tính thanh khoản tăng lên... Bên cạnh đó cũng có nhiều “nốt trầm” khác.

1. Được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 25-11-2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2015.

Với nhiều chính sách mang tính đột phá, Luật Kinh doanh BĐS 2014 được kỳ vọng có tác động mạnh mẽ, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt của thị trường BĐS.

Một quy định đáng chú ý trong luật mới này là chủ đầu tư các dự án chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua dự án BĐS hình thành trong tương lai khi đã có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ đầu tư nếu chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng 2 bên đã ký kết.

Quy định mới này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo được tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà trước tình trạng bán nhà trên giấy phổ biến hiện nay. Qua đó, tạo được niềm tin cho xã hội, nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng được kỳ họp thứ 8 Quốc hội  khóa 13 thông qua, nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

2. Nới quy định vay gói 30.000 tỷ đồng: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Theo đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng, sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, thời gian cho vay hộ gia đình, cá nhân sẽ được tăng lên thành 15 năm thay vì 10 năm như quy định cũ. Với những quy định mở, thông thoáng hơn dành cho người vay mua nhà, Nghị định này được kỳ vọng tác động tốt đến tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp gói tín dụng ưu đãi được triển khai nhanh hơn, bên cạnh đó người mua nhà cũng như các dự án giá rẻ sẽ đều được lợi.

3. Hàng loạt chủ đầu tư bung dự án mới: Sau nhiều năm gần như bị đóng băng. Chủ đầu tư “tung” nhiều chính sách bán hàng mới: Mở màn năm mới 2014 là hàng loạt dự án căn hộ trung và cao cấp được mở bán kèm theo hàng loạt chương trình ưu đãi cho người mua nhà, chẳng hạn như các chính sách 20-80%; 30-70% (đóng trước 20% hoặc 30% được nhận nhà ngay, số còn lại được trả sau 1 năm với lãi suất 0%), mua nhà tặng vàng, nội thất hoặc ô tô…

Những ưu đãi trong chính sách bán hàng này được rất nhiều chủ đầu tư áp dụng trong suốt 1 năm qua nhằm kích cầu khách hàng mua nhà ở. Đặc biệt trong đó có nhiều dự án khủng như Vinhome Tân Cảng với số lượng 10.000 căn; dự án Lasa Thủ Thiêm của CTCP Đại Quang Minh; hàng loạt dự án mới tại những vị trí đắc địa của CTCP Địa ốc Nova (Novaland)…

4.  Chậm làm sổ đỏ, chủ đầu tư bị phạt đến 1 tỷ đồng: Các quy định về việc cấp sổ đỏ cho người dân đã được Nhà nước hết sức quan tâm. Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường  và các địa phương vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chủ quyền cho người dân, đặc biệt với nhà đất tại các dự án.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ công khai danh tính những chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ cho người mua nhà trên website của UBND các cấp. Đồng thời, những chủ đầu tư chây ì việc cấp sổ đỏ sẽ không được tiếp tục giao dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng nếu chủ đầu tư không chấp hành. Tại TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường  cũng có nhiều biện pháp chế tài với những chủ đầu tư chây ì.

Nới quy định vay gói 30.000 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện để người dân có nhu cầu thực mua nhà ở.

5. BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI: Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong năm 2014 ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được hơn 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI với 32 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 1,27 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, trong số những dự án BĐS thuộc nhóm có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD, đa số được đăng ký tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Có thể kể đến như dự án chung cư tại quận Bình Thạnh do Công ty TNHH Sun Wah Vietnam Real Estate Limited - Hồng Công đầu tư 200 triệu USD; dự án Khu nghỉ dưỡng Alma tại Khánh Hòa của Alma Group (tập đoàn đến từ Israel) đầu tư 300 triệu USD; dự án phức hợp VSIP Bình Hòa, Bình Dương của nhà đầu tư Singapore với số vốn xấp xỉ 100 triệu USD...

6. Những tiêu cực lớn: Ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, chủ đầu tư hàng loạt dự án khủng tại TPHCM, Đà Nẵng và một số địa phương khác bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm trong quản lý kinh tế, đã gây chấn động trong giới đầu tư kinh doanh BĐS.

Cùng với ông Danh còn có ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cũng bị bắt để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư