Những sai phạm trong quỹ đất làm nhà ở xã hội

Cập nhật 07/05/2014 13:10

Theo Bộ Xây dựng, 11 dự án được kiểm tra việc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đã chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất dành cho nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, 11 dự án được kiểm tra việc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đã chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất dành cho nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa

Trong kết quả kiểm tra việc dành quỹ đất 20% tại các dự án khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội trong tháng 3 vừa qua cho thấy các chủ đầu tư ít quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.

Trong số 11/12 dự án được kiểm tra, có 11 dự án bắt buộc phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội thì có 3 dự án triển khai xây nhà ở xã hội, 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại cho chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.

Hiện trong số 11 lô đất dành làm nhà xã hội trong các dự án, với diện tích khoảng 8,6ha, mới có 4 lô có mặt bằng, với diện tích 5,6ha; còn 7 lô, diện tích 3ha chưa được giải phóng mặt bằng. Cơ chế ưu đãi như hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, phụ thuộc vào điều kiện địa phương nên không thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt đến thời điểm này là 13.000 căn, hầu hết mới bắt đầu động thổ, khởi công. Riêng tại Hà Nội, nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tới trên 30.000 căn. Nếu tính nhu cầu nhà ở xã hội của toàn thành phố, con số này lên tới khoảng 80.000 căn.

Như vậy, hiện nay phân khúc nhà ở xã hội đang thiếu so với yêu cầu. Trong khi đó, một nghịch lý trong xây dựng là vốn cho nhà ở xã hội có từ gói 30.000 tỷ đồng thì hiện quỹ đất cho phân khúc này đang thiếu.

12 dự án được kiểm tra việc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội:

- Dự án Cầu Bươu tại Thanh Trì do Cty Kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư;
- Dự án Hạ Đình tại Thanh Xuân do Cty Xây dựng lắp máy điện nước đầu tư;
- Dự án Cầu Diễn thuộc dự án thành phố giao lưu do Tổng Cty CP ĐTXD Vigeba đầu tư;
- Dự án Tây Nam Linh Đàm do HUD đầu tư;
- Dự án Giang Biên tại Việt Hưng, Long Biên do Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng đầu tư;

- Dự án khu nhà ở Cầu Diễn do CTCP tư vấn và đầu tư xây dựng phát triển đô thị HN đầu tư;
- Dự án Trung Văn (Từ Liêm) do CTCP Đầu tư xây dựng HN đầu tư;
- Dự án Đại Kim mở rộng do Công ty kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư;
- Dự án Sài Đồng (Long Biên) của Hanco3;
- Dự án Cổ Nhuế do Nam Cường đầu tư;
- Dự án Việt Hưng do HUD đầu tư;
- Dự án Bắc An Khánh của Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh.


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia