Những quy định mới về cải tạo chung cư, nhà cũ

Cập nhật 05/05/2013 08:09

Ngày 4/5, phiên họp tập thể của UBND TP đã cho ý kiến vào Tờ trình thực hiện khoản 2, 3 Điều 16 Luật Thủ đô về việc ban hành Nghị quyết về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng (XD) trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Ngày 4/5, phiên họp tập thể của UBND TP đã cho ý kiến vào Tờ trình thực hiện khoản 2, 3 Điều 16 Luật Thủ đô về việc ban hành Nghị quyết về một số biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng (XD) trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

4 nhóm biện pháp để cải tạo, XD lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp

Thành phố hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ (1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu mét vuông nhà ở. Trong số này, TP mới quản lý và ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở; còn lại các khu tập thể đơn lẻ, quy mô nhỏ và một số khu nhà do các cơ quan tự quản đang và sẽ phải bàn giao cho thành phố…

Theo dự thảo, thành phố đưa ra 4 nhóm biện pháp để cải tạo, XD lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Một trong những giải pháp ưu đãi, là người dân trong phạm vi dự án được góp vốn tham gia thực hiện dự án bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ, áp dụng hình thức BT trong thực hiện cơ chế đầu tư đi đôi với việc lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định; được phép mua nhà xã hội, nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ; trường hợp quỹ nhà tái định cư tại chỗ không đủ phải bố trí tái định cư (ngoài 4 quận nội thành) thì cho áp dụng hệ số k = 1,5 lần. Chủ sở hữu căn hộ nếu bán căn hộ cũ cho chủ đầu tư đến nơi ở khác thì đươc miễn các loại thuế liên quan, như  thuế thu nhập cá nhân…


Khu tập thể  Nam Đồng, một trong những khu tập thể  cũ chưa được cải tạo.

Thành phố cho phép nhà đầu tư XD quỹ nhà trung chuyển để tạm cư, sau khi hoàn thành dự án cải tạo, XD lại nhà chung cư cũ thì thu hồi quỹ nhà để thành phố xem xét, quyết định. Nhà đầu tư được các ưu đãi khác, như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dối với toàn bộ diện tích đất được giao (hoặc thuê) để thực hiện dự án…

Tại phiên họp, một số đại biểu kiến nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung cụ thể hơn về các giải pháp cần thiết trong GPMB – một trong những điểm “nghẽn” tiến độ cần được tháo gỡ để thực hiện mục tiêu trên.

Về việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc XD trước năm 1954. Theo thống kê, toàn thành phố có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và 642 biệt thự thuộc diện được bán theo Nghị định 61/CP của Chính phủ và 509 biển số nhà trong phạm vi phố cổ, các tuyến phố cần bảo vệ tôn tạo.

Theo dự thảo, TP đã đưa ra 4 nhóm biện pháp, gồm: Phân loại nhóm biệt thự; phương thức xã hội hóa (XHH) và biện pháp ưu đãi đối với người dân và chủ đầu tư. Nhóm 1: Công trình XD trước năm 1954 gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật, công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc. Khi cải tạo, phục hồi phải bảo đảm giữ đúng kiểu dáng, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch công trình, không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu… Nhóm 2: công trình có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1, khi cải tạo, phục hồi phải bảo đảm giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và tuân thủ quy hoạch (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao)… Nhóm 3: công trình không thuộc (nhóm 1 và nhóm 2), việc XD, cải tạo, phục hồi, thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và TP về quản lý đầu tư và XD...

Về giải pháp thực hiện, nguyên tắc của thành phố là thực hiện XHH để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Đáng chú ý, có quy định về một chủ đầu tư thực hiện để thuận lợi trong việc giãn dân (khu phố cổ, biệt thực có nhiều hộ ở)…  Thành phố tạo quỹ đất sạch để thực hiện công tác GPMB, phục hồi nhà cổ, biệt thự, công trình kiến trúc theo phương thức XHH. Người dân được ưu đãi, nếu chủ sở hữu tự phá dỡ các công trình không thuộc kiến trúc nguyên thủy thì sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ bồi thường quy định…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp cố tình không thực hiện. Đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lực tài chính… cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân trong diện cải tạo, XD lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, trong đó cần quan tâm, theo hướng bảo đảm nơi ở mới của người dân, phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, đồng thời  ưu tiên cho người dân trong việc mua nhà tái định cư cả về vị trí, diện tích…

Nhập khẩu quận nội thành cũ phải có nhà ở diện tích 26,6m2/người

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến vảo Tờ trình về việc Xây dựng Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích bình quân đối với nhà thuê được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội, cụ thể hoá điểm b, khoản 4, điều 19 Luật Thủ đô.

Mục tiêu của Nghị quyết, có giải pháp quản lý và hạn chế di dân tự phát vào nội thành và thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để giảm số dân từ 1,2 triệu dân xuống 0,8 triệu dân vào năm 2020 trong các quận nội thành lịch sử (gồm các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) và các quận mới: Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là người ngoại tỉnh (nhập cư) đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, thuê nhà ở nội thành của các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà (chưa có nhà ở thuộc sở hữu cá nhân).

Theo đó, người để được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội, dự kiến cần có nhà ở, với diện tích bảo đảm bằng diện tích bình quân nhà ở của thành phố năm 2013 là 23,1 m2/người và nâng lên 26,6m2/người năm 2015 và diện tích hộ gia đình là 80,1 m2/hộ. Hạn mức này sẽ được điều chỉnh 5 năm/lần, kể từ năm 2015 trở đi.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị