Những dự án "trùm mền"

Cập nhật 26/08/2007 14:00

TP.HCM đang như một đại công trường. Bên cạnh nhiều dự án thi công chậm chạp mà người dân gọi là công trình “rùa bò“, còn có những công trình thi công nửa chừng rồi bỏ đó - gọi là dự án “trùm mền“.

TP.HCM đang như một đại công trường. Bên cạnh nhiều dự án thi công chậm chạp mà người dân gọi là công trình "rùa bò", còn có những công trình thi công nửa chừng rồi bỏ đó - gọi là dự án "trùm mền".

"Trùm mền" 1 - 2 năm

Ở Q.Tân Phú (TP.HCM), nhắc tới đường Thoại Ngọc Hầu, ai nấy đều "lắc đầu". Theo quy hoạch, lộ giới tuyến đường đến 60m. Nhưng do khối lượng giải tỏa quá lớn, không biết đến bao giờ mới thi công, nên giai đoạn trước mắt chỉ nâng cấp, mở rộng 14m, với tinh thần vận động các hộ bị giải tỏa hiến đất một phần cho Nhà nước làm đường, chỉ đền bù cho những hộ bị giải tỏa trắng.

Năm 2005, con đường được đào lên, đặt cống, trải nhựa được một đoạn ngắn, rồi ngưng luôn. Hơn 1 năm trôi qua, đoạn còn lại ngày càng hư hỏng, đầy "ổ gà", "ổ voi". Anh Nguyễn Hữu Chí, một người dân ở khu vực này bức xúc: "Nhờ báo chí lên tiếng giùm, chứ để đường sá lầy lội như thế này hoài, coi sao được? Dự án bao giờ thi công lại, Sở Giao thông - Công chính (GTCC) phải công bố cho dân biết, nhưng trước mắt phải đổ đá bằng phẳng cho dân nhờ cái đã!".

Trước đây, dự án được Sở GTCC TP.HCM giao Công ty quản lý công trình giao thông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Công ty xây dựng giao thông Sài Gòn. Đang thi công nửa chừng thì nhà thầu này bị phá sản. Thế là dự án bị "trùm mền". Giữa năm 2006, UBND TP.HCM chủ trương thay đổi chủ đầu tư, giao lại cho Khu quản lý giao thông đô thị (GTĐT) số 1, trực thuộc Sở GTCC thành phố. Ông Ngô Bá An, Phó giám đốc Khu quản lý GTĐT số 1 cho biết: Tuyến đường dài hơn 2,5 km, nhưng chỉ mới làm một đoạn ngắn từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Lý.

Đoạn còn lại từ Nguyễn Lý đến đường Âu Cơ dài gần 1,8 km chưa thi công vì nhà thầu bị phá sản. Đoạn này có 270 hộ bị giải tỏa, trong đó 18 hộ bị giải tỏa toàn phần. Khu quản lý GTĐT số 1 đã đề nghị Q.Tân Phú hoàn tất giải tỏa trong tháng 8 này để có mặt bằng di dời mạng lưới điện, điện thoại, cấp nước... nhưng cũng phải mất 2 - 3 tháng mới có thể di dời xong.

Chủ đầu tư mới còn phải mất hơn 1 tháng để điều chỉnh lại dự án, khoảng 1 tháng để trình duyệt và thêm 1,5 - 2 tháng tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu mới. Theo ông An, nhanh nhất là 5 tháng nữa mới hy vọng chọn được nhà thầu mới để thi công tiếp.

Nút giao thông Gò Dưa, thuộc đường Xuyên Á đang là "điểm nóng" ùn tắc giao thông. Đây là đầu mối giao thông quan trọng, giữa đường Xuyên Á với tỉnh lộ 43 và đường Tô Ngọc Vân, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Công trình được khởi công từ năm 2004 bằng nguồn vốn dư sau đấu thầu của dự án đường Xuyên Á và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Khoản vay của dự án hết hiệu lực từ ngày 31.12.2005 và lẽ ra nút giao thông Gò Dưa phải hoàn thành trước thời điểm đóng khoản vay. Nhưng công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cây cầu vượt nằm vắt ngang quốc lộ 1A, với hai hàng đèn chiếu sáng trông thật đẹp, nhưng chỉ "làm kiểng" vì cầu chưa thông xe được. Bên dưới cầu vượt, xe vận tải nối đuôi nhau thành những hàng dài chờ được "bò" qua nút giao thông đang xây dựng dở dang.



Đường Thoại Ngọc Hầu đầy
 những "ổ gà, ổ voi".
 Ảnh: Nguyên Thuỷ


Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận (chủ đầu tư công trình) cho biết: do thời gian cấp bách, vừa đền bù giải tỏa, vừa thi công; mặt bằng giải tỏa kiểu "da beo" (chỗ được, chỗ không) nên rất khó triển khai thi công. Đến thời hạn khoản vay hết hiệu lực, công trình chỉ mới thi công được cầu vượt và một phần đường lên cầu, các nhánh hoa thị vẫn chưa làm xong. Thế là dự án phải "trùm mền", chờ nguồn vốn khác.

Mãi đến tháng 9.2006, Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM sử dụng vốn ngân sách để hoàn thành các nút giao thông trên đường Xuyên Á, trong đó có nút Gò Dưa. Nhưng từ đó đến nay, công trình vẫn chưa thi công tiếp được. Về kinh phí, bà Lương Bích Hằng, đại diện PMU Mỹ Thuận cho biết, từ đầu năm 2007 đến nay đã 2 lần có tờ trình đề nghị thành phố phê duyệt kế hoạch vốn để hoàn thiện công trình nút giao thông Gò Dưa, nhưng vẫn chưa được trả lời.

Mọi việc tiếp theo đều bị chựng lại, như Sở GTCC thành phố chưa thể phê duyệt dự án đầu tư, chưa thể tổ chức đấu thầu xây lắp. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn trì trệ do có những hộ chưa nhận tiền đền bù, đang khiếu nại về giá. Dự án có 338 hộ bị ảnh hưởng, nhưng mới có 247 hộ bàn giao mặt bằng, trong đó 34 hộ bị giải tỏa trắng chưa được bố trí tái định cư.

"Trùm mền" 9 năm



Dự án cầu Hoàng Hoa Thám đã 9
năm "trùm mền" - ảnh: Mai Vọng


"Trùm mền" kỹ nhất có lẽ là dự án cầu Hoàng Hoa Thám (bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nối Q.1 và Q.Bình Thạnh) vì đã "ngủ yên" đến... 9 năm, sau khi thi công được có vài cái trụ.

Dự án này trước đây do Công ty đầu tư phát triển đô thị (sau đổi tên là Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh), thuộc Tổng công ty xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, được UBND TP.HCM phê duyệt dự án năm 1998, với tổng vốn đầu tư 19 tỉ đồng. Công trình đang thi công thì phải ngưng lại để điều chỉnh dự án, cộng với công tác đền bù giải tỏa phía Q.1 chậm triển khai, kéo dài thời gian đến tận bây giờ. Hiện dự án đã được chuyển sang cho chủ đầu tư mới là Khu quản lý GTĐT số 1.

Ông Ngô Bá An cho biết: dự án điều chỉnh sẽ có tổng vốn đầu tư 119 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa lên đến hơn 78 tỉ đồng. Nói đến công tác đền bù giải tỏa của dự án này, ông An than vãn: "Căng lắm! Còn đến 129 hộ, trong đó có 57 hộ bị giải tỏa trắng, mà bà con bị giải tỏa đang khiếu nại đòi tăng giá bồi thường, kiến nghị được vào ở khu tái định cư mới tốt hơn các khu cũ trước đây".

Dự kiến, phải mất 4 tháng sau khi nhận bàn giao mặt bằng thì mới có thể khởi công và thời gian thi công kéo dài trong 16 tháng. Đã vậy, đến nay chủ đầu tư cũ cũng chưa hoàn thành việc bàn giao cho chủ đầu tư mới. Công trình không biết bao giờ mới "giở mền" ra!

Theo Mai Vọng - Thanh Niên