Dự án bán tháo của PVL |
Trong năm qua, thị trường bất động sản liên tục làm nhói tim người mua, khi liên tục xuất hiện những sự kiện "thất bát".
1. Điệp khúc đề xuất cứu BĐS
Còn nhớ, từ đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã chính thức lên tiếng với Chính phủ cho phép chủ đầu tư nhận hàng loạt ưu đãi như: được huy động vốn khi dự án chưa xây xong móng, cho phép giãn nợ, khoanh nợ, khấu trừ thuế, miễn lệ phí trước bạ, lập quỹ tín thác bất động sản... nhằm “cứu” thị trường BĐS.
Sau đó, do diễn biến xấu của thị trường, cuối tháng 6/2011, trước sự siết chặt chính sách tiền tệ, Bộ Xây dựng lại một lần nữa lên tiếng nhằm giải cứu cho BĐS. Có điều kahcs là, lần này Bộ XD đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng linh hoạt cho BĐS.
Dù đã cố gắng nhưng điều mà Bộ XD nhận được lại chủ yếu là sự phản đối của nhiều chuyên gia. Bởi các chuyên gia cho rằng, chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng đối với bất động sản là hợp lý, nhằm kéo thị trường này trở về giá trị thực.
2. Ế ẩm nhà thu nhập thấp
Từ năm 2008, khi chính sách xây dựng nhà thu nhập thấp được triển khai, người dân đô thị vô cùng háo hức. Lúc đó, cảnh người dân thức đêm để chờ đến giờ mua hồ sơ để bốc thăm khiến dư luận vừa vui vừa buồn. Vui vì chính sách dường như đã đánh trúng tâm lý người dân, nhưng buồn vì cách làm chưa hiệu quả.
Thế nhưng, đến đầu năm 2010, hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp tại Hà Nội được chào bán trong thời gian qua như Đặng Xá, Kiến Hưng, Đại Mỗ... đã lâm cảnh ế ẩm, đơn giản chỉ vì giá bán quá cao so với khả năng của người thu nhập thấp.
Sang năm 2011, cảnh mua hồ sơ đã không còn nữa. Ngay cả chính sách bốc thăm cùng không phải thực hiện, vì số người mua nhà ít hơn số căn hộ chào bán quá nhiều.
Xem ra, sự bất cập của chủ trương vốn dĩ tốt đẹp này chưa thể được khắc phục.
3. Thi nhau bán tháo dự án
Thị trường bất động sản trầm lắng suốt từ cuối 2009 đến nay nhưng trong khoảng thời gian hơn 2 năm đó, người ta không thấy nhiều dự án công bố giảm giá bán trực tiếp cho khách hàng. Lác đác hồi đầu năm nay chỉ xuất hiện một vài dự án công bố khuyến mại, chiết khấu lên tới 12%, rồi 15%...
Cú sốc trên thị trường chỉ thực sự đến khi Công ty Địa ốc dầu khí nổ phát súng đầu tiên khi công bố giảm giá bán đến gần 30% đối với căn hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, Tp.HCM) để có tiền trả nợ ngân hàng. Ngay sau đó hai doanh nghiệp khác (một tại Tp.HCM, một tại Hà Nội) cũng công bố giảm giá bán khoảng 20% đối với tất cả các loại hình bất động sản tại dự án mình.
Xu hướng giảm giá lan tỏa ra nhiều dự án khác được giới chuyên môn dự đoán đã thành hiện thực, khi mới đây hai doanh nghiệp tại Hà Nội là chủ dự án VP3 Bán đảo Linh Đàm và dự án CT6 Xa La tiếp tục công bố giảm giá bán chung cư từ 5 - 7 triệu đồng/m2. Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường trầm lắng, ế ẩm suốt một thời gian dài vừa qua nhưng các chủ đầu tư không tiến hành giảm giá bán để cải thiện thanh khoản. Chỉ đến khi “không thể chịu được nữa”, ngân hàng xiết nợ thì họ mới làm cái việc người dân bấy lâu mong chờ.
4. Ồ ạt vỡ tín dụng đen vì
Những vụ vỡ nợ lên tới 400 - 500 tỷ đồng ở Phú Xuyên, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hà Đông (Hà Nội), TP.HCM rồi đến các tỉnh khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh... cũng lần lượt được phanh phui.
Khi bị phanh phui, các chủ nợ của loại hình tín dụng đen này đều khai báo trước cơ quan điều tra rằng, phần lớn số vốn họ huy động trong suốt thời gian qua đã được “chôn vùi” trong đất cát.
Và trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, có muốn “đào” lên cũng là quá sức của họ và rốt cuộc là những khoản tín dụng vốn tươi hồng trước đây đã biến thành đen với những bản án được trưng ra trước mặt.
DiaOcOnline.vn - Theo Nguoiduatin