Những con đường “vắt qua” hai thế kỷ
Bài 3: Đường 'đắt nhất hành tinh' cũng… dở dang

Cập nhật 13/08/2007 10:00

Với cách triển khai các dự án giao thông theo kiểu “manh mún” và “dễ làm khó bỏ” của Hà Nội thì tình hình giao thông khó có thể được cải thiện một cách căn cơ.

Với cách triển khai các dự án giao thông theo kiểu “manh mún” và “dễ làm khó bỏ” của Hà Nội thì tình hình giao thông khó có thể được cải thiện một cách căn cơ. Đường vành đai 1 là một ví dụ.

7km đường, 5 dự án, hàng ngàn tỷ đồng: Vẫn ùn tắc.

Tuyến đường vành đai 1 được xem là ranh giới giữa Hà Nội cổ xưa và Hà Nội mới với đường trục đê La Thành.

Ô Cầu Giấy là điểm đầu tuyến, tiếp đó con đường đi theo đê La Thành đến Ô Chợ Dừa, qua Đại Cồ Việt đến Ô Cầu Dền chạy đến Ô Đông Mác và kết thúc tại đê Nguyễn Khoái.

Chiều dài của tuyến vành đai 1 khoảng 7km. Đầu thập kỷ 90, Hà Nội có dự án xây dựng tuyến đường Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ nút Kim Liên - Đại Cồ Việt đến đầu đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa mới).

Tuyến đường dài chưa đầy 1km này sau 15 năm thực hiện đến nay trên thực tế chưa hoàn thành. Lý do là còn có hàng chục hộ dân nằm trong dự án vẫn chưa được GPMB. Ngay cả phần đường đã hoàn thành cũng không thể sử dụng vì con đường…cụt.

Hai dải đường cơ giới, một dải đường thô sơ và vỉa hè 10 năm qua trong tình trạng bỏ không và nó trở thành nơi phục vụ những cửa hàng quần áo cũ, rửa xe.

Đường Trần Khát Chân cũng có chiều dài khoảng hơn 1km được thi công từ năm 1993 đến 1998. Nhưng nay, đầu đường Ô Đông Mác (chiều phải đường hướng Bạch Mai - Ô Đông Mác) vẫn có đến 20 hộ dân án ngay trên phần đường và hè.

Đầu đường Bạch Mai cũng tồn tại một nút thắt với khoảng 10 hộ dân. Và điều không mấy ngạc nhiên là con đường này cũng trong tình trạng bị… cụt khi dẫn đến Ô Đông Mác rồi dừng lại.

Năm 2001, Hà Nội tiếp tục rót hàng trăm tỷ đồng cho dự án mở rộng đoạn đầu đường vành đai 1 (Voi Phục - Cầu Giấy - khoảng 500 m). Nhưng dự án cũng trong tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Tức là đầu Cầu Giấy được mở rộng thênh thang nhưng đến đầu đê La Thành thì thắt lại, và tạo thành nút cổ chai. Khúc giữa dự án (trước cổng trường ĐH GTVT) có làn đường bỏ không và được sử dụng làm… điểm trung chuyển xe buýt.

Nói đến đường vành đai 1, không thể không nhắc đến dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa được thi công cuối năm 2005. Gần 1km đường, mức đầu tư 800 tỷ đồng.

Vậy nhưng hiệu quả của con đường “đắt nhất hành tinh” này cũng chẳng khá hơn gì những dự án trước đó. Đơn giản, đoạn đường này cũng đang trong tình trạng cụt.

Khi đâm ra đường Nguyễn Lương Bằng, con đường này đã tạo thành một điểm ùn tắc giao thông. Có ý kiến cho rằng, nếu Đàn Xã Tắc được khai thông, đầu đường này còn tắc hơn nữa.

Hơn thế, ngã ba mà con đường mới vừa tạo ra nằm cách ngã năm Ô Chợ Dừa 30m, đánh đố các nhà tổ chức giao thông. Gần ngàn tỷ đồng không thể phát huy hiệu quả nếu không muốn nói là làm cho tình hình giao thông tại đây tồi đi.

Trên tuyến đường vành đai 1, hiện người ta đang cho thi công hầm vượt qua đường Lê Duẩn với kinh phí ngót nửa ngàn tỷ đồng.

Đây là dự án thứ 5 được triển khai trong 15 năm qua, song tình trạng trên con đường vành đai 1 ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc.

“Đắt nhất hành tinh” - Liệu có xắt ra miếng?

Sự manh mún, chậm trễ, tốn kém của các dự án này đôi khi xuất phát từ những chủ trương và phương thức thực hiện các dự án.

Việc đường Trần Khát Chân bị dừng lại ở Ô Đông Mác là một ví dụ. Ngay sau khi đường Trần Khát Chân hoàn thành vào năm 1998, năm 1999 TP Hà Nội đã phê duyệt dự án thông tuyến từ Ô Đông Mác lên đê Nguyễn Khoái.

Đoạn đường dài 550m này có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (cả xây lắp và GPMB), kế hoạch vốn thực hiện dự án cũng đã sẵn sàng.

Tiếc rằng, không hiểu vì lý do gì, một lãnh đạo TP Hà Nội khi đó đã “bẻ ghi” vốn của dự án này cho dự án khác và dự án đã bị đình trệ. 10 năm qua, hàng trăm hộ dân trong dự án đã phải sống trong cảnh tạm bợ, sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Năm 2007, TP Hà Nội đã tái khởi động dự án này. Chỉ có điều, tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 400 tỷ đồng. Song đó chỉ là mặt lý thuyết, qua khảo sát sơ bộ, dự án có khoảng 740 hộ dân phải di dời và chỉ tính số tiền đền bù GPMB đã lên trên 400 tỷ đồng.

Như vậy dự án cầm chắc phải có mức đầu tư trên 500 tỷ đồng cho 550 mét đường. Và như vậy, kỷ lục con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa “đắt nhất hành tinh” sẽ bị phá vỡ. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những đội giá dự án như thế này?

Nhiều ngàn tỷ đồng, với gần chục dự án thực hiện trong 15 năm qua song đường vành đai 1 dài 7km vẫn chỉ là con đường dở dang và chưa biết đến bao giờ mới có thể phát huy hiệu quả.

Mới đây Hà Nội đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dài gần 1km).

Theo khái toán, tổng mức đầu tư của dự án này cũng vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng như các dự án trước đó, dự án này rồi cũng phải có ít nhất là 3 - 5 năm để thực hiện.

Đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục (2km) sẽ được đầu tư tiếp và với cách triển khai dự án như hiện nay thì ít nhất 10 năm nữa Hà Nội mới có đường vành đai 1 hoàn chỉnh.

Kinh phí xây dựng những phần đường còn lại chắc hẳn lại đắt gấp nhiều lần hiện nay...


>> Bài 1: Mười năm không xong 600 mét đường!

>> Bài 2: Bốn năm 'đánh vật' với hai cột điện

Theo Phùng Sưởng - Tiền Phong