Những cây cầu vươn về phía biển

Cập nhật 04/02/2011 13:20

Hình ảnh những cây cầu vững và đẹp bắc qua sông Hàn đã thể hiện ước vọng từ ngàn xưa của người Đà Nẵng vốn được gửi gắm trong huyền thoại sinh thành của phố biển này...

Hình ảnh những cây cầu vững và đẹp bắc qua sông Hàn đã thể hiện ước vọng từ ngàn xưa của người Đà Nẵng vốn được gửi gắm trong huyền thoại sinh thành của phố biển này...

Huyền thoại sông Hàn

Tương truyền Đà Nẵng được sinh ra bởi một quả trứng rồng, vỏ trứng rồng tách ra thành năm ngọn Ngũ Hành Sơn linh thiêng, còn chú giao long con nở ra đã đường tìm ra biển, tạo nên dòng sông Hàn huyền thoại. Truyền thuyết cho thấy người Đà Nẵng đã ấp ủ khát vọng "hóa rồng".

Bước vào thế kỷ 21, Đà Nẵng đã vươn lên như con rồng nhỏ, bộ mặt đô thị TP Đà Nẵng không ngừng đổi mới và phát triển trước sự ngỡ ngàng của cả nước và khu vực. Với chiều dài gần 20 km chảy qua TP Đà Nẵng, sông Hàn đã chứng kiến sự ra đời liên tiếp của 7 cây cầu mới chỉ trong vòng 14 năm (1997-2010). Mỗi cây cầu nối liền hai bờ không nằm ngoài mục đích đánh thức và khai thác tiềm năng kinh tế biển. Một thành phố hướng về phía Đông, về phía mặt trời mọc.



Những cây cầu xưa...

Năm 1950, để phục vụ chính sách khai thác thuộc địa và xây dựng căn cứ quân sự liên hợp, khu hậu cần lớn nhất vùng Trung Đông Dương nhằm cứu nguy cho quân Pháp tại Đông Dương, thực dân Pháp đã xây cầu đường sắt De Lattre de Tassigny, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, nối liền nội ô TP Đà Nẵng với bến cảng để tiếp nhận các mặt hàng viện trợ chiến tranh của Mỹ, chuyên chở đạn dược, vũ khí vào nội thị Đà Nẵng phục vụ cho cuộc chiến tranh do Pháp và Mỹ khởi xướng tại miền Trung Đông Dương. Đến giai đoạn trước năm 1975, khi quân đội Mỹ đến Đà Nẵng, cầu được đổi tên là cầu Trịnh Minh Thế. Sau ngày đất nước giải phóng, cầu được sửa chữa, thay đổi công năng thành cầu dành cho xe thô sơ với tên Trần Thị Lý. Cách cầu Trần Thị Lý 20m về phía hạ lưu là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Trước đây cây cầu không có tên, được quân đội Mỹ xây dựng năm 1968 với quy mô cầu dã chiến, lắp ghép từ các ống thép, mặt cầu bằng gỗ dùng để phục vụ cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng sâu Tiên Sa vào thị xã Đà Nẵng bằng đường bộ.

...Và nay

Cho đến 22 năm sau ngày đất nước giải phóng, năm 1997 cây cầu đầu tiên được chính quyền Đà Nẵng xây dựng bằng tiền đóng góp của doanh nghiệp và người dân đã được khởi công, cây cầu là một biểu trưng cho ý chí quyết tâm thay đổi đời sống kinh tế của người dân Đà Nẵng. Cầu quay Sông Hàn chính thức trở thành biểu tượng mới cho hình ảnh một Đà Nẵng với sức bật mới xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ Đông và Tây sông Hàn.

Hình ảnh của những xóm nhà chồ xập xệ ven biển quận Sơn Trà và những gia đình sống mưu sinh, chen chúc trên những con thuyền nhỏ từ bao đời dần lùi vào dĩ vãng. Sự đổi thay kỳ diệu này không chỉ làm cho nhiều người dân nơi đây mà cả nước cũng ngỡ ngàng trước sự thức tỉnh của cả một vùng phố Đông. Hơn 60,78 km2 diện tích bờ Đông sông Hàn bừng tỉnh.

Hiện Đà Nẵng có 29 dự án xây dựng chung cư cao cấp, biệt thự sang trọng đang được triển khai dọc tuyến đường ven biển như: Ocean Villa của Tập đoàn Vinacapital, Hyatt của Indochine Land đến The Sun Villa, Vinpearl Đà Nẵng... Đặc biệt, sự góp mặt của hai nhà cung cấp biệt thự ven biển là lDune Residence với 15 biệt thự và Vinpearl Đà Nẵng với 39 biệt thự đã nâng số dự án biệt thự bán tại Đà Nẵng lên 8, với tổng số hơn 600 căn tại các bãi biển đã thúc đẩy sự phát triển và sôi động của thị trường BĐS biệt thự ven biển Đà Nẵng.

Và những câu thơ: Đứng bên ni sông, ngó qua bên kia sông/ Thấy nước xanh như tàu lá/ Đứng bên ni Hà Thân, ngó qua Hàn/ Thấy phố xá nghinh ngang chỉ còn là lịch sử, là ký ức một thời.

Năm 2001. Định hướng phát triển kinh tế, xã hội, giao thương với các vùng lân cận thành phố được thống nhất trong Nghị quyết HĐND khóa VI. Cầu Cẩm Lệ với công nghệ thi công cầu hiện đại bậc nhất khu vực lúc bấy giờ bắc qua thượng nguồn sông Hàn được xây dựng, nối liền QL 1A và QL 14B, cầu Cẩm Lệ đã đánh thức sự phát triển của cả một vùng đất phía Tây Nam TP Đà Nẵng. Tiếp đến cầu Hòa Xuân giữ vai trò mở rộng phát triển Đà Nẵng về phía Nam. Những con đường mới, những khu dân cư mới cứ vậy tiếp tục mọc lên.

Năm 2002, khởi công cầu Tuyên Sơn, năm 2003 hợp long và khánh thành năm 2004 với tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng. Với nhiệm vụ vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa/năm từ cảng biển Tiên Sa vào đất liền và ngược lại, cầu Tuyên Sơn mang trên mình trách nhiệm nối liền sự liên kết giữa cảng Tiên Sa với các cảng biển trên thế giới.

Năm 2009, cầu Thuận Phước, cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Đà Nẵng với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng đúng ngày 29/3. Cầu Thuận Phước còn là cánh tay nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa rồi Trường Sa, làm đòn bẩy đánh thức con giao long trong giấc ngủ dài vươn mình ra biển.

Một loạt dự án lớn quanh cây cầu này như khu đô thị lấn biển Đa Phước, khu giải trí biển lớn nhất Việt Nam được hình thành. Cây cầu đã góp phần đánh thức vị trí đắc địa của bán đảo Sơn Trà. "Viên ngọc" có diện tích hơn 4.700 ha được "tỏa sáng". Và cầu Thuận Phước sẽ là gạch nối cuối cùng trên tuyến đường du lịch ven biển tuyệt đẹp từ Hội An đến chân đèo Hải Vân, là đòn bẩy lôi cuốn nhiều nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.

Cũng trong năm này, ngay sau lễ khánh thành cầu Thuận Phước, cũng là thời điểm khởi công cầu Rồng, với tổng mức dự toán gần 1.500 tỷ đồng. Cầu Rồng thể hiện ước vọng hóa rồng của người dân Đà Nẵng khi kiến trúc cầu thể hiện hình dáng một con rồng vươn mình ra biển. Cầu Rồng sẽ trở thành trục chính của TP Đà Nẵng theo trục Đông-Tây, là tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp bên bờ biển. Năm 2010 đánh dấu lễ khởi công cây cầu mới Trần Thị Lý-Nguyễn Văn Trỗi với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đây là cây cầu có sàn vọng cảnh và lối kiến trúc cầu dây văng một mặt phẳng-tháp nghiêng đầu tiên của Việt Nam.

Trong vòng 14 năm, tính trung bình cứ hai năm Đà Nẵng lại xây dựng thêm một cây cầu mới và chưa đầy 3 km trên sông Hàn lại có một "con rồng nhỏ" vươn qua. Con số đó đã nói lên sự thay đổi kỳ diệu mà không một thành phố nào trên đất nước Việt Nam làm được. Đó cũng là ước vọng ngàn đời về sự trỗi dậy và lớn mạnh của người Đà Nẵng. Quan trọng hơn, Đà Nẵng đã tìm được con đường đi đúng đắn của mình, con đường đi về phía biển.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động