Những bất cập khi ở chung cư cũ

Cập nhật 25/05/2014 08:28

Những va chạm, xung đột trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày không phải là thứ hiếm, nhưng tại các khu chung cư cũ hơn 30 năm “tuổi”, kiểu thiết kế từ xưa càng dễ làm nảy sinh nhiều va chạm giữa các hộ dân. Chưa kể, những bất tiện “chẳng biết đổ lỗi cho ai” càng khiến cuộc sống ở những khu chung cư cũ thêm… khó ở.

Những va chạm, xung đột trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày không phải là thứ hiếm, nhưng tại các khu chung cư cũ hơn 30 năm “tuổi”, kiểu thiết kế từ xưa càng dễ làm nảy sinh nhiều va chạm giữa các hộ dân. Chưa kể, những bất tiện “chẳng biết đổ lỗi cho ai” càng khiến cuộc sống ở những khu chung cư cũ thêm… khó ở.

Tận dụng tối đa không gian để lắp đặt điều hòa và bể nước.

Tiếng ồn… không của riêng ai

Kinh tế phát triển, giá thuê mặt bằng tăng lên khiến không ít hộ dân ở tầng 1 tại các khu chung cư cũ sẵn sàng “hiến” nơi ở của mình cho các Cty, cửa hàng hay xưởng sản xuất thuê lại.

Hoặc một số hộ dân tiết kiệm tiền thuê mặt bằng ở ngoài nên đã chuyển cơ sở sản xuất của họ về chính nhà đang ở.

Với thiết kế chung cư kiểu cũ, trần thấp, không có khả năng chống tiếng ồn và các nhà có cửa sát nhau, những cơ sở sản xuất “tại gia” nói trên khiến các hộ dân sinh sống xung quanh thực sự gặp ác mộng với vấn đề tiếng ồn.

Tại khu K7, phường Bách Khoa (Hà Nội), nhà tầng 1 đã tận dụng diện tích lấn chiếm để mở xưởng cắt nhôm kính. Tiếng ồn đặc trưng “rè rè rẹt rẹt két két” lạnh người vọng rõ lên cả tầng 5 là tầng cao nhất tại đây.

Hàng ngày, tiếng ồn này đều đặn vang lên từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa rồi tiếp tục từ 1 giờ rưỡi tới 5 giờ chiều, chưa kể nếu hôm nào có nhiều đơn đặt hàng, chủ sản xuất còn cố gắng tăng thêm thời gian “kéo cưa” để đáp ứng.

Ồn ào là vậy nhưng dường như chẳng ai làm được gì.

Chị Nguyễn Thùy Linh (người dân ở tại đây) cho biết: “Có lần, mình đã ra cửa kêu to đề nghị họ dừng làm lúc trưa mà họ vẫn bỏ ngoài tai. Khi gọi điện ra công an phường, họ lại bảo nhà mình làm đơn đi, rồi lấy chữ ký các nhà xung quanh, từ đó sẽ… giải quyết. Mà hiện trạng ầm ĩ như thế, sao họ không vào kiểm tra để thấy ngay vấn đề?”

Ngoài nhà cắt nhôm kính, khu tập thể này trước đây còn có nhà đặt xưởng sản xuất bánh kẹo, với những tiếng ồn của máy xay bột cùng mùi bếp dầu.

Trong khi ở khu tập thể khác như Mai Hương, người dân còn hứng chịu tiếng… giã giò chả của một nhà làm nghề truyền thống.

Bên cạnh vấn đề tiếng ồn của cơ sở sản xuất, việc các hộ gia đình có cửa san sát nhau, thậm chí thông trực diện (2 nhà ở 2 đầu khu tập thể có cửa mở đối diện nhau) cũng gây ra những bất tiện lớn nếu một nhà nào “hứng chí” hát karaoke.

Với thiết kế kiểu cũ, không có cách âm chất lượng, dàn karaoke công suất lớn thực sự là cơn “ác mộng” đối với những hộ gia đình xung quanh.

Trần dột, thấm và bị rơi những mảng vữa lớn

Hiện cơ sở hạ tầng yếu kém đang là một nhược điểm đáng kể của các khu chung cư cũ, với thực trạng trần dột, thấm.

Vấn đề này đặc biệt gây ra nhiều khó khăn với các hộ dân sống ở tầng cao nhất, khi trần thấm lâu ngày khiến lớp vữa rơi xuống, có thể gây tai nạn đối với người hoặc làm bẩn đồ đạc.

Bác Nguyễn Văn Hưng (sống tại tầng 5, khu K7, Bách Khoa) cho hay: “Trần nhà mình thì chờ ai ra tay bây giờ. Lúc trước, Nhà nước cũng đã bố trí một đội ngũ công nhân xây dựng đến làm, nhưng đâu lại vào đấy.

Sau một lần vợ tôi bị cả mảng vữa lớn rơi vào đầu gây đau nhức, rồi vài lần trần nhà đổ vào đống quần áo, tôi đã phải tự bỏ tiền ra thuê dịch vụ ngoài vào láng trần, làm các giải pháp chống thấm, dột.

Chi phí cũng tới 16 triệu đồng cho diện tích gần 45 m2. Nhưng đó là mái nhà mình, còn ở những khu vực trần công cộng, như phía cầu thang, thì… đành chịu, ai phụ trách được cả mảng rộng như vậy”.

Cũng vì chưa có quy hoạch tổng thể nên các hộ dân chỉ còn biết xử lý theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, từ đó dẫn tới việc trần chung cư cũ bị “vá chằng vá đụp”, mỗi nhà làm một kiểu.

Bác Hưng cho biết, vào năm 2008, sau một vài trận mưa lớn, toàn bộ phần vữa ốp trần ở phía cầu thang chung của khu nhà này đã rơi xuống, tạo nên tiếng động như “trời sập”.

Cũng may khi đó không có ai đứng ở cầu thang, nếu không thật khó nói về hậu quả khôn lường, khi lượng vữa rất lớn và nặng đổ sụp cùng lúc.

Sau đó, các nhà cũng chỉ biết tự bảo nhau dọn dẹp, đóng góp tiền để trát và quét vôi lại.

Nhà bác Dụ (chung cư K7, phường Bách Khoa) từng phải đầu tư vài lần cho việc chống thấm dột cho trần nhà, vì nền trần yếu, vị trí thấm dột lan rộng.

Hết đội thợ này tới đội thợ khác bắt tay vào làm, tiền mất không ít, tới giờ nhà bác Dụ mới gọi là tạm đỡ tình trạng dột, thấm.

Mỗi khi có trận mưa to, thấy xuất hiện mảng thấm trở lại, bác Dụ chỉ còn biết lắc đầu: “Thôi, chẳng làm gì nữa, chờ tới khi khu này bị đập đi, người ta xây lại, thì chắc hết”.

“Cuộc chiến” đặt bể nước đầy cam go

Trong quá khứ, nhiều khu chung cư cũ không được thiết kế bể nước để dùng cho từng hộ gia đình.

Một số khu có bể nước chung cho nhiều nhà, nhưng hiện giờ bể nước này không còn dùng được nữa, phần vì nhà nào cũng có đồng hồ tính lượng nước dùng riêng nên không thể “chung bể”, phần vì bể xi măng xây từ lâu nên có nhiều rêu, cặn và rò nước.

Do vậy, các hộ gia đình tại những khu chung cư cũ phải tính tới việc mua bể nước riêng để dùng, song… đặt ở đâu lại là vấn đề không đơn giản.

Thông thường, các hộ dân luôn muốn đặt bể nước inox lên tầng thượng của khu chung cư, vì cách này vừa giúp tiết kiệm diện tích trong nhà (ở không gian không mấy rộng rãi với kiểu thiết kế cũ, đặt bể nước trong nhà sẽ tốn diện tích đáng kể), vừa giúp tạo lực nước xuống mạnh tự nhiên khi xả vòi, dùng bình nóng lạnh, máy giặt…

Tuy nhiên, do đặc thù nền trần thượng yếu, lại dễ bị thấm nước, dột… nên nhiều nhà ở tầng trên cùng kiên quyết không để các nhà ở dưới đặt bể nước lên trên.

Lý do của những nhà ở tầng trên cùng hoàn toàn có cơ sở, khi họ sợ trần yếu thì khi đặt nhiều bể nước, khả năng sập trần có thể xảy ra, hay những nỗ lực láng trần chống thấm, dột trở thành công cốc vì các bể nước bị tràn khi van tự đóng hỏng…

Bác Dụ (ở tầng 5 khu K7, Bách Khoa) bày tỏ: “Chúng tôi không thể chấp nhận các nhà ở tầng dưới đặt “bom nước” lên đầu mình được. Nếu xảy ra sập trần, đổ xuống đầu chúng tôi do nhiều bể nặng quá thì ai chịu trách nhiệm, ai cứu chúng tôi đây? Chưa kể, mỗi nhà trên tầng 5 này đã phải tự bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, công sức để chống dột, thấm nước, trong khi các nhà đặt bể lên đó, tình trạng tràn nước, rò nước là rất dễ xảy ra, vậy thì chúng tôi lại cứ phải đi chữa cái lỗi của nhà dưới hay sao?”.

Cũng từ đây, nhiều lần “cuộc chiến” đặt bể nước đã nổ ra, khi các nhà ở tầng dưới đuối lý hơn, nhưng lúc có công việc gì cần sự chung sức của cả khu thì họ lại mang điều kiện “cho đặt bể nước lên tầng thượng” ra để… thương lượng.

Tất nhiên, khi không được chấp thuận thì những hộ ở dưới chỉ còn cách đặt bể trong nhà và dùng máy bơm để kích nước cho bình nóng lạnh, máy giặt…

Anh Thanh (sống ở tầng 3 khu K7, Bách Khoa) thở dài: “Chẳng biết để đâu thì phải để ở trong nhà mình thôi. Phải cố gắng bố trí khoa học để không chiếm nhiều diện tích trong phòng tắm”.

Những vấn đề bất cập vẫn đang tiếp tục diễn ra tại các khu chung cư cũ, còn người dân thì tự mình học cách làm quen dần.

Bởi với chế tài xử lý chưa nghiêm của chính quyền cùng cơ chế hòa giải, xử lý vấn đề tại các tổ dân phố chưa thực sự thỏa đáng thì người dân biết kêu ai?

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng