Ba trái xoài xanh, hai con cá lóc hấp, chén muối ớt và can rượu đế ngâm chuối hột được bày ra dưới hiên mái lá dừa nước. Bốn thanh niên địa phương và khách “quay” cùng cái ly xây chừng trong tiếng...
Ba trái xoài xanh, hai con cá lóc hấp, chén muối ớt và can rượu đế ngâm chuối hột được bày ra dưới hiên mái lá dừa nước. Bốn thanh niên địa phương và khách “quay” cùng cái ly xây chừng trong tiếng bàn tán ồn ào về thị trường đất nông nghiệp ở xã Phú Đông, thuộc thành phố Nhơn Trạch (Đồng Nai) trong tương lai...
Đổi nghề, rồi... chuyển nghề!
Tôi quen bốn thanh niên này từ khoảng năm năm trước, nhờ có người bạn mua đất ở Phú Đông. Khi ấy, họ hành nghề môi giới mua bán đất một cách tình cờ nhưng khá thành công - nhờ dự án xây dựng thành phố Nhơn Trạch cuốn hút nhiều nhà đầu tư và người có tiền ở TPHCM. Còn nhớ lúc đó, họ tiếp khách toàn món đặc sản của địa phương như cua, rắn, gà đá, chuột... và bia lon.
“Quán 12 cô”, nằm ở đoạn giữa con đường đất đỏ hơn chục cây số chạy dọc sông Đồng Nai từ bến phà Cát Lái đến bến đò Phước Khánh, là điểm ăn nhậu của họ mỗi khi có khách mua bán đất. Thời đó, trên con đường đầy ổ gà này (nối liền ba xã Phú Hữu - Phú Đông - Phước Khánh), vào ngày cuối tuần, dập dìu người hỏi mua đất. Đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề “đất bán”, “môi giới bán đất”...
Họ, những chàng trai làng, bắt đầu nghe và sờ đến số tiền “trăm triệu”, “tỉ đồng” từ đó. Nhờ những cơn sốt đất nông nghiệp đã đưa đẩy họ - anh N., hành nghề bán hàng rong trên các tàu neo đậu trên sông Đồng Nai; anh Q., chạy xe ôm ở bến phà Cát Lái; anh M., là công an xã... đến với nghề môi giới mua bán đất (mà người ta hay gọi bằng cái từ không mấy thiện cảm - “cò”).
Có lẽ nghề “cò” đất của họ khá nhàn nhã nhưng kiếm được khá nhiều tiền. Như anh N., lúc đầu làm “cò”, nhưng khi có được chút ít vốn liếng anh mạnh dạn “mua đi bán lại” rồi trở thành người có của ăn của để ở xóm Rạch Miễu, ấp Tân Phú. Dù chính điều đó cũng khiến cho anh lo lắng, vì trong thời điểm thị trường u ám hiện nay anh vẫn còn “ôm” khá nhiều đất.
Hơn một năm nay, thị trường đất nông nghiệp ở xã Phú Đông cũng như huyện Nhơn Trạch rất hiếm người hỏi han. Anh N., nhờ tích lũy được vốn nên đã mở quán cà phê ở xã Phước Khánh; anh M., chuyển sang làm thợ hồ; anh Đ., làm công nhân ở cảng Cát Lái; còn anh Q., trở thành “ông chủ” cho vay nóng. Bây giờ, trong số bốn người họ, không ai sống được bằng nghề “cò” đất, nhưng trong bàn nhậu họ không thể nào quên những tháng ngày vui vẻ của nghề “cò”.
Còn nhớ, khoảng sáu bảy năm trước, khi đi tìm hiểu thị trường nhà đất ở Nhơn Trạch, trong vai người tìm mua đất, tôi được một “cò” đất tên H., ở xã Đại Phước hào hứng dắt đi nhậu để ông ta “thuyết trình” về thị trường đất đai - địa điểm, giá cả... và cả về các mối quan hệ của ông với quan chức chính quyền địa phương. Sau bữa nhậu, ông ấy còn dắt về nhà cho coi chồng sổ đổ “rớt dập chân” của những người gởi đất bán... Trước khi ra về ông còn hẹn hò: “Tuần sau qua đây anh dắt đi coi đá gà rồi mình làm con bê nhậu. Mua được hay không được [đất] không quan trọng”.
Vậy mà con đường từ phà Cát Lái vào trung tâm huyện Nhơn Trạch giờ đây thỉnh thoảng mới thấy những tấm bảng bán đất. Nhà ông H., vẫn còn treo bảng “giới thiệu đất” nhưng ghé vào hỏi thì người nhà nói: “Tối ảnh mới về. Chuyện đất cát phải hỏi ảnh”. Những anh “cò” bạn tôi cũng vậy, họ vẫn theo dõi về thị trường đất đai tại địa phương, để khi có “sốt” trở lại họ không bị lỗi nhịp.
Cho nên chuyện của họ trong bàn nhậu cuối tuần rồi cũng toàn chuyện đất cát. Họ rất kỳ vọng vào con đường chạy dọc sông Đồng Nai đang được Nhà nước nâng cấp. Con đường đang được đổ đất đỏ - nâng cao, mở rộng nhưng giá đất thì chưa thấy động tĩnh gì. Theo anh N., so với lúc cao điểm, đầu năm 2008, giá đất hiện nay tại Phú Đông có nơi giảm hơn một nữa.
Ruộng, vườn hoang hóa
Những đám ruộng lúa, đồng mía
dọc hai bên đường nay đã biến mất.
Ảnh: Quang Chung.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG