Nhọc nhằn tự gỡ hàng tồn

Cập nhật 05/01/2015 10:47

Ở vị trí xa trung tâm, khu dân cư, không có hạ tầng cơ sở như chợ, trường học, bệnh viện… đang khiến nhiều dự án BĐS tại Hà Nội bị liệt vào diện tồn kho khó tháo gỡ.

Ở vị trí xa trung tâm, khu dân cư, không có hạ tầng cơ sở như chợ, trường học, bệnh viện… đang khiến nhiều dự án BĐS tại Hà Nội bị liệt vào diện tồn kho khó tháo gỡ.

Muôn vàn cách gỡ

Từ nửa cuối năm 2014, hàng loạt dự án BĐS đột ngột tái sinh dưới những cái tên khác. The Pride (khu đô thị An Hưng, Hà Đông) của CTCP Hải Phát đổi tên thành HP Land Mark Tower; CT1 Vân Canh thành CT Number One Vân Canh; Alaska Garden City tại Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) sau khi được FLC Group mua lại cũng đổi tên thành FLC Garden City; Dương Nội của Nam Cường thành The Sparks; dự án chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức) thành khu căn hộ Xphomes; dự án Phuc Ha City Garden ở Hoài Đức có tên gọi mới Thăng Long Victory; Castle Plaza do Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư vừa đổi tên thành dự án Goldmark City…

Để giải quyết lượng hàng tồn kho chủ đầu tư chỉ có 2 cách là phải tự hoàn thiện hạ tầng, giảm giá bán, tăng khuyến mại cho đến khi kích thích được người mua; hoặc phải chờ cho đến khi hạ tầng phát triển đến khu vực này. Dù là lý do nào, trong năm 2015 cũng chưa thể giải quyết ngay được.

GS. Đặng Hùng Võ
 

Điều đặc biệt, đây đều là những cái tên đình đám trên thị trường BĐS khi nằm ở những vị trí xa trung tâm, khu dân cư, không có hạ tầng cơ sở xung quanh và chậm tiến độ nhiều năm qua. Điển hình như The Pride được khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay 3 tòa CT1, CT2, CT4 vẫn chưa thể hoàn thiện và bàn giao, CT3 mới xây đến tầng 6 trên tổng số 45 tầng. AZ Vân Canh Towers CT1 từng gây tranh chấp lớn trên thị trường khi tiền chủ đầu tư đã thu nhưng không triển khai. Còn Castle Plaza đắp chiếu ròng rã từ năm 2011.

Không chỉ đổi tên nhằm đổi vận, nhiều dự án đã tiến hành rầm rộ các đợt tiếp thị mới với lực lượng phân phối hùng hậu. Không chỉ thế, giá bán được giảm xuống để thu hút khách hàng. Như Thăng Long Victory có giá chào bán chỉ từ 12,5 triệu đồng/m2; HP Land Mark Tower được chào bán giá 17,3 triệu đồng/m2; CT Number One Vân Canh có giá bán khá hấp dẫn 11,5 triệu đồng/m2… Bên cạnh đó, hợp tác với khách hàng cùng tháo gỡ khó khăn cũng được nhiều chủ đầu tư lựa chọn. Đó là sự hợp tác của Sông Đà Thăng Long với hàng trăm khách hàng ở dự án Usilk City đã trở thành câu chuyện được bàn tán khá lâu trên thị trường BĐS.

Nhọc nhằn đường ra

Sự xoay xở của chủ đầu tư đã giúp nhiều dự án khả quan hơn trước. Thí dụ, The Pride hay CT1 Vân Canh đã tăng lượng giao dịch, tiến độ cũng khá khả quan. Tuy nhiên, nhìn chung, các dự án vẫn chưa vượt thoát được “vùng tối”. Vì thế, dù đã tìm đủ mọi cách để tháo gỡ, chủ đầu tư một dự án phải thừa nhận việc vượt thoát được hay không trong năm 2015 rất khó bởi phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan. “Hiện dự án ở nội đô giá rẻ tương đối nhiều, giúp người mua có nhiều lựa chọn hơn và sẽ có sự so sánh với các dự án hạ tầng chưa có lại xa khu dân cư” - một chủ đầu tư dự án trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài nói.

Điều lo ngại này không hẳn không có lý, bởi nhiều dự án vẫn tiếp tục rơi vào cảnh bi đát dù đã tìm đủ mọi cách để vượt thoát khó khăn. Usilk City của Sông Đà Thăng Long tưởng chừng đã vượt qua cơn bĩ cực khi khách hàng đồng ý đóng tiếp tiền để triển khai dự án vào tài khoản tại BIDV Thanh Xuân và sẽ giải ngân theo tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt chậm tiến độ bàn giao nhà, khách hàng đã phản ứng bằng cách không đóng thêm tiền và do đó BIDV cũng cắt luôn vốn đối ứng, dẫn tới tắc nguồn vốn khiến dự án chậm thi công trong thời gian dài.
 

Phép lạ đã không xảy ra với Usilk City dù chủ đầu tư tìm đủ mọi cách tháo gỡ. Ảnh: H.Trâm

Castle Plaza được đổi tên thành Goldmark City với hy vọng tên mới làm thay đổi hiện trạng của dự án, nhưng việc chậm tiến độ đến 3 năm đã khiến dự án này lọt vào danh sách 49 dự án sai phạm, chưa đóng các loại thuế, phí liên quan... của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, chưa kể vị trí của dự án nằm ngay cạnh Nghĩa trang Mai Dịch và xung quanh hiện vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, đường đi của những dự án thuộc diện tồn kho khó bán phụ thuộc vào chủ đầu tư. Đây là thử thách không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp khi nguồn vốn đã cạn kiệt và thị trường không còn ở thời điểm “trăm người bán vạn người mua”.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư