Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Cập nhật 23/07/2007 10:00

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin khu tái định cư Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị tắc hệ thống thoát nước, ...

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin khu tái định cư Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị tắc hệ thống thoát nước, nước thải ngập lên đến tận tầng 5. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã tới tận nơi tìm hiểu cụ thể sự việc...

Tiếp chúng tôi, các ông Nguyễn Văn Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố 47 và Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố 46 (đều thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên) tỏ ra rất ngạc nhiên trước thông tin mà một số tờ báo đã đưa về sự việc khu tái định cư Nam Trung Yên bị nước thải ngập tới tầng 5, thậm chí có nguy cơ phủ kín tới tận tầng cao nhất của toà nhà.

"Thực tế thì trong các ngày từ 13 đến 17/7/2007 vừa qua, do hệ thống thoát nước thải bị tắc nên đã xảy ra tình trạng nước thải tràn ngược lên các công trình phụ của tầng 1 nhà B3C (gồm trạm cảnh sát khu vực, nhà vệ sinh, nhà bảo vệ). Bên cạnh đó, nhiều hố ga không có nắp đậy gây mất vệ sinh và mất an toàn. Chúng tôi khẳng định không có chuyện nước ngập lên các tầng cao như một số tờ báo đã nêu và hiện tượng hệ thống thoát nước thải bị tắc chỉ xảy ra với tòa nhà B3C, 3 tòa nhà còn lại không hề tắc. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi tới Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Nam Trung Yên, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Trung Hòa và Xí nghiệp Kinh doanh dịch vụ khu đô thị yêu cầu sớm xử lý." -ông Thanh nói.

Bên cạnh hệ thống thoát nước bị tắc vẫn còn một số vấn đề cần sớm phải khắc phục để đảm bảo đời sống cho nhân dân nơi đây. Các bác tổ trưởng của 4 tổ dân phố 45, 46, 47, 48 khu Nam Trung Yên đã cho chúng tôi xem lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng, trong đó đề cập tới những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đó là tình trạng các hộ dân phải sống chung với ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ công trường xây dựng gần đó. Đường vào khu đô thị (con đường duy nhất) bị chiếm dụng để tập kết vật liệu xây dựng. Các xe trọng tải lớn ra vào nơi thi công, bùn đất, đá sỏi đổ đầy làm cản trở giao thông...

"Gần 500 hộ dân thuộc các phường Phương Liên, Nam Đồng (quận Đống Đa) vì dự án xây dựng đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa phải di dời về đây. Khi thuyết phục người dân di dời, bàn giao mặt bằng, ai cũng nói nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ và người dân được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Thế nhưng, thực tế lại không như vậy"- nhiều người dân bức xúc.

Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố 46 còn cho biết: "Khu tái định cư thiếu trường, thiếu chợ nên người dân rất khổ. Trước đây, chúng tôi kiến nghị dành một phần diện tích làm chợ tạm phục vụ dân sinh nhưng không được thành phố chấp thuận. Thế nhưng không hiểu sao, từ lâu nay, ngay trên phần đất lưu không phía trước tòa nhà B3B lại mọc lên một quán cà phê, bia hơi vừa gây mất mỹ quan, vừa gây mất vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị dẹp bỏ nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm".

Phóng viên cũng đã tìm gặp đại diện Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, được biết: Trước tình trạng tắc hệ thống thoát nước, ban đã kịp thời yêu cầu xử lý xong. Ngay trong buổi sáng ngày 19/7, lãnh đạo Ban quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đã khẩn trương triệu tập cuộc họp với các cơ quan liên quan gồm Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên, Xí nghiệp khai thác dịch vụ khu đô thị, liên danh nhà thầu Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam -Tổng công ty Xây dựng sông Hồng cùng đại diện tổ dân phố.

Cuộc họp đã chỉ ra các sai sót, sự cố trong quá trình thi công để kịp thời khắc phục. Mong bà con thông cảm vì dự án vẫn đang trong quá trình thi công để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các dự án trọng điểm của thành phố, các cơ quan liên quan sẽ cố gắng tránh gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân một cách thấp nhất.

Về kiến nghị đối với quán cà phê, bia hơi, do không có cơ quan nào nhận trách nhiệm nên thiết nghĩ, rất cần thiết phải có sự vào cuộc của thành phố nhằm kiểm tra, làm rõ.

Theo Thùy Linh - Kinh Tế & Đô Thị