Sài Gòn có 3 khu mua sắm đóng cửa để tái cấu trúc lại công năng và 5 thương hiệu trả mặt bằng. Hà Nội ghi nhận 60 cửa hàng ngừng kinh doanh và nhiều đơn vị thu hẹp diện tích.
Báo cáo quý II của CBRE, tỷ lệ trống của các trung tâm thương mại lớn tại TP HCM ở mức rất cao. Vincom Center B còn 25% diện tích chưa có khách thuê, Crescent Mall trống 30% và tỷ lệ này đối với Vincom Center A lên đến 40%.
Trong 3 tháng qua, có ít nhất 5 thương hiệu đã rời bỏ Vincom Center A. Dẫn đầu là Home One trả lại 1.200 m2 sàn bán lẻ và chưa đặt vấn đề thuê mặt bằng mới. Gloria Jean's, Givral, Banana Leaf không hẹn mà cùng dời đi, để lại 300 m2 sàn trống. Riêng Nike cũng đóng cửa hàng 150 m2 tại trung tâm thương mại này.
Trong khi đó, khảo sát của Savills tại Sài Gòn có 3 trung tâm mua sắm Thiên Sơn Plaza, Premium Outlet và một trung tâm thương mại tại quận 11 đóng cửa. Theo nhận định của đơn vị tư vấn khảo sát này, các khu mua sắm tập trung đóng cửa nhằm cơ cấu lại công năng do hoạt động yếu. Doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm của TP HCM có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do sức mua giảm vì tình hình kinh tế khó khăn. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trung tâm thương mại rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm.
Nhiều trung tâm thương mại tại TP HCM vẫn còn tỷ lệ trống cao và đang gặp khó khăn vì sức mua giảm mạnh trong quý II. Ảnh: Vũ Lê
|
Tình hình tại Hà Nội cũng không lạc quan. Báo cáo mới nhất của các đơn vị tư vấn khảo sát tại thủ đô cho thấy công suất thuê mặt bằng bán lẻ cũng sụt giảm theo quý. Parkson Keangnam là một trong những đơn vị có lượng khách thuê giảm đáng kể. Trong khi đó, một số trung tâm thương mại không thành công gây ra tình trạng đóng cửa kéo dài như Grand Plaza (Trần Duy Hưng), Hàng Da Galleria. Hoạt động kinh doanh tại trung tâm Cửa Nam cũng không khả quan như kỳ vọng. Còn trung tâm thương mại chợ Mơ (Hai Bà Trưng) phải lùi ngày khai trương.
Số cửa hàng đóng cửa trong quý II theo thống kê của CBRE là 60 gian, chưa kể một số cửa hàng thu hẹp diện tích. Giá thuê trung bình trung tâm thương mại và sảnh bán lẻ đều giảm theo quý. Trong đó, khu vực ngoài trung tâm giảm tới 13%.
Theo đánh giá của Knight Frank, tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực lên các dự án bán lẻ. Nhiều trung tâm thương mại đang trải qua thời kỳ khó khăn với lượng khách mua sắm ít ỏi. Dưới áp lực về doanh thu và chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, một số khách thuê quyết định trả lại mặt bằng.
Trung tâm thương mại tại Hà Nội vắng khách mua. Ảnh: Anh Quân
|
Phó giám đốc mảng thẩm định giá bất động sản CBRE Việt Nam, Leon Cheneval lý giải, nguyên nhân một số dự án bán lẻ không thành công trong thời gian qua vì sức mua giảm và mô hình quản lý chưa phù hợp. Các trung tâm này chào bán diện tích mặt bằng một cách nhỏ lẻ cho các cá nhân kinh doanh, gây khó khăn cho việc quản lý.
Ông Leon Cheneval nhận định, để thoát khỏi những khó khăn, các trung tâm nên tái cơ cấu những vị trí bán hàng cho phù hợp. Bên cạnh đó, thay vì cho thuê mặt bằng nhỏ lẻ, các trung tâm thương mại phải tìm và tạo nhiều ưu đãi về giá thuê để thu hút những khách thuê chủ chốt giúp ổn định doanh thu.
Trưởng phòng Nghiên cứu của Savills Việt Nam, Đỗ Thu Hằng cho rằng, trước sức cầu của thị trường yếu, các trung tâm thương mại sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều. Do đó, những đơn vị không chuyên nghiệp dễ bị loại khỏi thị trường.
"Nếu sức cầu yếu, doanh thu không đủ, người kinh doanh sẽ chỉ trụ được một thời gian rồi đóng cửa. Do đó, phí thuê nên áp dụng theo mô hình chia sẻ doanh thu sẽ hiệu quả hơn", bà Hằng nói.Chuyên gia này cũng cho rằng, để áp dụng được mô hình chia sẻ doanh thu, các đơn vị quản lý phải thay đổi cả hình thức hoạt động và chiến lược kinh doanh.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress