Nhiều thủ tục mới thêm khó cho dân

Cập nhật 04/09/2010 09:10

Chủ trương thống nhất việc cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chủ quyền) theo quy định mới được nhiều người dân đồng tình...

Chủ trương thống nhất việc cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chủ quyền) theo quy định mới được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng, thực tế triển khai tại TP.HCM đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, thêm khó khăn cho dân.


Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người dân tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Đó là một trong những kết quả giám sát về công tác đã nêu tại TP.HCM của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Theo báo cáo giám sát này, đến nay TP.HCM đã cấp hơn 1 triệu giấy chủ quyền (đạt 77% diện tích đất cần cấp giấy chủ quyền). Dự kiến TP còn phải cấp hơn 370.000 giấy chủ quyền nữa mới hoàn thành kế hoạch.

Thêm “vòng quay”, không thực tế

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT) TP.HCM, việc cấp số giấy chủ quyền còn lại ở TP khó có thể đạt được mục tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn thành. Phần lớn các trường hợp chưa được cấp giấy chủ quyền do mua bán bằng giấy tay, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp. TP còn rất nhiều dự án nhà ở, dự án phân lô hộ lẻ dở dang, chưa được các địa phương tiếp nhận vì hạ tầng chưa hoàn chỉnh, dự án có nhiều vi phạm...

Những lỗi này thuộc về chủ đầu tư, nhưng theo quy định của UBND TP, các dự án nhà ở không có biên bản nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chưa bàn giao cho cơ quan thẩm quyền thì chưa được xem xét cấp giấy chủ quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng quy định cấp giấy chủ quyền mới của Chính phủ không quy định vấn đề này. Do vậy còn rất nhiều trường hợp bị “treo” giấy chủ quyền, kéo dài nhiều năm qua, gây bức xúc cho người dân.

Về trình tự, thủ tục cấp giấy chủ quyền cho người nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án do các doanh nghiệp đầu tư: theo quy định, người xin cấp giấy phải nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP (thuộc Sở TNMT), sau đó cơ quan này chuyển hồ sơ cho UBND quận huyện, nơi có dự án để cấp giấy chủ quyền. Ký giấy chủ quyền xong, UBND quận huyện phải chuyển lại cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP để cơ quan này trao cho người được cấp.

So với quy trình trước đây (nộp hồ sơ và nhận giấy chủ quyền tại UBND quận, huyện) thì quy trình mới phải quay thêm một vòng hồ sơ, tăng thêm thời gian cấp giấy chủ quyền, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở.

Một bất cập khác theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP, quy định trước đây cho phép cập nhật tên người mua vào giấy chứng nhận, thời gian thực hiện trong khoảng 7 ngày làm việc. Khi giấy chủ quyền hết chỗ cập nhật thì đổi sang giấy chủ quyền mới. Quy định hiện hành buộc mỗi lần chuyển nhượng phải đổi sang giấy mới, thời gian tối đa 15 ngày làm việc. Như vậy dù nhà, đất được cơ quan chức năng cấp giấy chủ quyền trước đó một vài ngày thì người mua cũng phải làm thủ tục đổi sang giấy mới, ghi tên mình mới có giá trị.

Việc này không những gây khó khăn cho công tác cấp giấy mà còn làm ách tắc quá trình giao dịch của dân. Quy định như vậy là không cần thiết, gây lãng phí, không phù hợp thực tế vì sử dụng quá nhiều giấy chủ quyền, khiến nguồn gốc nhà, đất bị đứt khúc vì người nhận chuyển nhượng sau cùng không biết chủ cũ là ai.

Có thủ tục theo cách cũ tốt hơn

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP, những quy trình, thủ tục gây cản ngại trên thực tế thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT và cần tháo gỡ ngay. Cụ thể là cần cho thực hiện lại việc cập nhật biến động trên giấy chủ quyền khi chuyển nhượng, mua bán; chỉ cấp giấy mới khi giấy chủ quyền cũ đã hết chỗ cập nhật hoặc người dân có yêu cầu. Ngoài ra, cần giao việc điều chỉnh trình tự, thủ tục cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà, đất tại các dự án cho UBND quận huyện thực hiện, tránh tình trạng người xin cấp giấy phải đi lòng vòng như hiện nay và nên giao cho các địa phương tự in phôi giấy chủ quyền và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Hiện TP.HCM có nhiều trường hợp chuyển nhượng đất bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 (Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực) nhưng không liên lạc được với bên nhận chuyển nhượng để làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. Nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy tay nhưng diện tích dưới chuẩn và theo quy định không được cấp giấy. Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng nếu cứng nhắc căn cứ vào quy định hiện hành, nhiều người dân sẽ không được cấp giấy chủ quyền, dẫn đến tình trạng nhiều nhà, đất-vốn là tài sản của người dân lâm vào tình trạng “vô chủ” về mặt pháp lý. Chính phủ nên tháo gỡ vấn đề này.

Từ những đề nghị trên, UBND TP vừa yêu cầu các sở, ngành TP rà soát, đề xuất việc điều chỉnh các quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của TP liên quan đến việc cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Các đề xuất phải trình UBND TP trước 15-9.

Độc quyền về phôi giấy chủ quyền

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, khi giám sát các quận huyện đều phản ánh: để có phôi giấy chủ quyền cấp cho dân, phải đăng ký và được Sở TNMT TP giới thiệu đến cơ quan của Bộ TNMT mới được mua. Mỗi lần như vậy chỉ được mua với số lượng hạn chế so với nhu cầu. Quy định như vậy mất thời gian, không cần thiết và vô hình trung tạo ra cơ chế “xin-cho”. Thay vì giao cho các địa phương tự in phôi giấy chủ quyền theo mẫu của Bộ TNMT thì các địa phương phải mua phôi giấy do bộ này in bán. “Việc này đang gây thắc mắc cho cơ sở”.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO