Kết quả giám sát việc quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy, hiệu quả sử dụng đất đai tại nhiều đơn vị còn thấp...
Kết quả giám sát việc quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy, hiệu quả sử dụng đất đai tại nhiều đơn vị còn thấp. Nhiều tập đoàn, tổng công ty được Nhà nước tạo điều kiện giao đất với giá thấp song lại bỏ hoang, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích hoặc quản lý lỏng lẻo, để người dân lấn chiếm...
Nhiều diện tích đất lớn tại các khu đô thị vẫn “nằm chờ” từ vài năm nay |
Hàng triệu mét vuông đất bị “treo”
Theo báo cáo giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (TĐ, TCT), quỹ đất mà 88 TĐ, TCT được giao, thuê lên tới 365.818ha. Hầu hết các TĐ, TCT đều được Nhà nước giao đất, cho thuê đất ở những vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh cao với giá thấp hoặc không thu tiền sử dụng đất nhưng lại để một lượng lớn diện tích đất bị bỏ hoang không sử dụng! Theo giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, diện tích đất do các TĐ, TCT trên địa bàn quản lý có vi phạm lên tới 2,25 triệu m2 (chiếm khoảng 10%). Trong đó, diện tích đất bỏ trống, không sử dụng là 790.000m2; đất dự án chưa sử dụng hoặc triển khai chậm là hơn 1 triệu m2.
Kiểm tra tương tự tại TP Hà Nội cho thấy, 5 TCT Nhà nước trên địa bàn (TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Thủy tinh và gốm xây dựng, TCT Cơ khí xây dựng, TCT Sông Hồng, TCT CP Dệt may Hà Nội) còn nhiều thửa đất chưa hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý, còn để trống hoặc xây dựng những công trình tạm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc để dân lấn chiếm... Chẳng hạn, khu đất hơn 114.000m2 tại Xuân Phương (huyện Từ Liêm) do TCT Thủy tinh và gốm xây dựng làm chủ đầu tư được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2006, nhưng tới nay dự án vẫn chưa triển khai... ở một ví dụ khác, các công ty thành viên của TCT Xây dựng Hà Nội để dân lấn chiếm tới 13.000m2 đất trong khu vực thuộc quyền quản lý...
Nợ đáng báo động
Cũng theo kết quả giám sát, tổng nguồn vốn của 90 TĐ, TCT đến 31-12-2008 là 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế Nhà nước, hoạt động của TĐ, TCT Nhà nước luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp Nhà nước, mà chủ đạo là các TĐ, TCT đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh những thành tựu, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, hạn chế đáng lo ngại của các TĐ, TCT. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo, có tới 45,05% các TĐ, TCT hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%). Chính điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế Nhà nước.
Đáng chú ý, không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không bảo đảm, ảnh hưởng tới tính ổn định của doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2006, có 38 TĐ, TCT có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% số TĐ, TCT. Năm 2007 có 31 TĐ, TCT chiếm 32% số TĐ, TCT; năm 2008 có 31 TĐ, TCT chiếm 32% số TĐ, TCT có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần. Tính đến 31-12-2008, một số đơn vị có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) như TCT Xây dựng công trình giao thông (CTGT) 1 (21,6 lần); TCT Xây dựng CTGT 4 (14 lần), TCT CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (12,2 lần); TCT Thủy tinh và gốm xây dựng (11,3 lần)...
Cũng theo báo cáo giám sát, đa số các TĐ, TCT có số nợ phải thu lớn, tính đến 31-12-2008, số nợ phải thu đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2007, tổng số nợ phải thu của các TĐ, TCT là 185.826 tỷ đồng, chiếm 38,26% vốn chủ sở hữu và 14,96% tổng tài sản của các TĐ, TCT.
Thua lỗ vì chứng khoán
Báo cáo giám sát cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2008, vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2.797 tỷ đồng. Ví dụ, năm 2008, TCT Xây dựng CTGT 4 lỗ phát sinh 52,52 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam lỗ phát sinh 27,98 tỷ đồng. Tệ hơn, TCT Xây dựng đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hóa bị lỗ làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của TCT.
Cũng theo báo cáo giám sát, có 47 TĐ, TCT tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng... với tổng số vốn đầu tư rất lớn, tăng nhanh qua từng năm. Cuối năm 2006, con số này là 6.434 tỷ đồng, cuối năm 2007 là 16.190 tỷ đồng và cuối năm 2008 là 21.164 tỷ đồng. Tiền đầu tư cực lớn song hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này, thậm chí thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước.
Đặc biệt, năm 2008, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh nên hầu hết các TĐ, TCT đều bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận khi đầu tư chứng khoán. Cũng theo kết quả giám sát, nhiều TĐ, TCT bị cuốn vào cuộc chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Ví như TĐ Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2008, TĐ này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2.146 tỷ đồng. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2015, để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện và lưới điện, EVN còn thiếu 382.931 tỷ đồng...
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô