Theo kết quả kiểm tra mới nhất vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng công bố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) áp dụng theo NĐ 90/CP...
Theo kết quả kiểm tra mới nhất vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng công bố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) áp dụng theo NĐ 90/CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy khá nhiều bất cập, chồng chéo.
Từ khi NĐ 90 có hiệu lực (năm 2006), việc cấp sổ hồng cho người dân còn thiếu đồng bộ. Đáng nói hơn là do một số văn bản của TP ban hành trái với Luật Nhà ở đã gây khó khăn, chậm trễ về thủ tục cấp "sổ hồng", còn là "ngòi nổ" cho những khiếu kiện của dân không có hồi kết.
Còn tồn hàng nghìn "sổ hồng"
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau 2 năm thực thi Luật Nhà ở đến nay, TP. Hà Nội vẫn chưa triển khai thực hiện đồng bộ việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN) theo NĐ 90 đối với tất cả các đối tượng trên địa bàn TP. Các trường hợp đã được cấp GCN phổ biến vẫn là mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo NĐ 61/CP và trường hợp mua nhà ở tái định cư, nhà ở của các DN đầu tư xây dựng nhà để bán.
Theo Sở Xây dựng HN, thì tất cả các huyện và TP của Hà Tây cũ chỉ cấp GCN quyền sử dụng đất, không cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo NĐ 90/CP. Đối với các quận, huyện cũ của HN, hiện đã cấp GCN quyền sở hữu nhà ở theo NĐ 61 được 41.634 trường hợp; các dự án xây dựng nhà để bán, cấp được 1.719 trường hợp. Qua kiểm tra thực tế của Thanh tra Bộ Xây dựng, huyện Từ Liêm hiện còn 175 trường hợp xin cấp GCN đang chờ thẩm định; quận Cầu Giấy tồn đọng 415 trường hợp; quận Đống Đa tồn 22 trường hợp...
Theo Luật Nhà ở: "Đối với trường hợp chủ sở hữu nhà ở, đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì chỉ cấp một GCN là GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở". Tuy nhiên đến nay, ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn HN, trừ mua nhà theo NĐ 61, các trường hợp khác kể cả mua nhà tái định cư, nhà ở thương mại, thành phố vẫn cấp GCN quyền sử dụng đất là không đúng quy định. Bởi vậy, các chủ sử dụng nhà tái định cư, nhà chung cư thương mại đều không xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở khi trước đó họ đã được cấp GCN quyền sử dụng đất.
Theo ông Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - một trong những bất cập hiện nay là QĐ 23 của UBND TP.Hà Nội có hiệu lực ngày 2.7.2008 về cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho đối tượng người Việt định cư ở nước ngoài trên địa bàn TP. QĐ này dẫn đến tình trạng một số quận, huyện như Cầu Giấy, Từ Liêm... từ năm 2007 chỉ cấp sổ hồng theo NĐ 90 cho đối tượng mua nhà theo NĐ 61.
Các trường hợp mua nhà tại các dự án xây dựng nhà ở để bán thì lại quay trở lại cấp GCN quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Khi Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng HN có công văn hướng dẫn lại, thì các quận, huyện vẫn không tuân thủ với lý do: "Quyết định của TP có hiệu lực cao hơn công văn sở". Việc làm này hoàn toàn trái với quy định của Luật Nhà ở.
Nhiều bất cập về thủ tục
Việc không tuân thủ quy định pháp luật nêu trên dẫn đến hậu quả là hàng loạt các trường hợp mua căn hộ tái định cư hoặc các căn hộ thuộc dự án nhà ở - được cấp GCN quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, đã bùng nổ việc khiếu nại của người dân khi cho rằng, theo giấy này, họ được quyền sử dụng cả thửa đất có toà nhà. Từ đó, dẫn đến những tranh chấp về quyền sở hữu các diện tích chung, riêng của toà nhà chung cư; trong khi, đúng ra người mua nhà chỉ được sở hữu căn hộ của chính họ là giá trị tài sản gắn liền với đất.
Chánh Thanh tra Phạm Gia Yên còn cho biết: Qua kiểm tra của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, còn phát hiện những "kẽ hở" pháp lý trong chính những quy định tại NĐ 90 khiến cho việc cấp GCN gặp nhiều "rào cản" thủ tục. Điển hình là việc quy định trong hồ sơ xin cấp GCN quyền sở hữu nhà ở, yêu cầu chủ sở hữu nhà phải trình "bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở, thể hiện được vị trí, hình dáng, kích thước, diện tích... thửa đất; bản vẽ sơ đồ nhà đất do cá nhân tự đo vẽ... có sự thẩm tra, xác minh của phòng có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện".
Quy định này quá phức tạp, tỉ mỉ, gây khó khăn cho người dân, đồng thời gây khó cho cơ quan có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện, phải thẩm tra lại bản vẽ do người dân tự đo vẽ thường không chính xác. Các trường hợp đã cấp GCN quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng mua nhà theo NĐ 61 thì đa phần là cấp theo hợp đồng mua nhà, không căn cứ trên hiện trạng nhà, nên xảy ra tình trạng, sau khi được cấp giấy, việc thực hiện quyền của người dân gặp không ít vướng mắc vì diện tích thực tế thường khác xa với diện tích trên hợp đồng.
Trong văn bản kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP. Hà Nội bãi bỏ các quy định tại QĐ 23 trái với Luật Nhà ở, đối với các trường hợp mua nhà theo NĐ 61 mà diện tích khác với diện tích trên hợp đồng do cơi nới, xây dựng thêm... thì cơ quan cấp giấy có trách nhiệm kiểm tra, cấp theo diện tích thực tế.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động