Để phục vụ việc di dân giải phóng mặt bằng cho hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn, mỗi năm TP Hà Nội thiếu hàng chục ngàn mét vuông...
Để phục vụ việc di dân giải phóng mặt bằng cho hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn, mỗi năm TP Hà Nội thiếu hàng chục ngàn mét vuông nhà tái định cư phục vụ dự án. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều khu chung cư thuộc diện tái định cư xây dựng xong lại thiếu đủ thứ hạ tầng dịch vụ, khiến người dân bức xúc. Thậm chí có những khu chung cư bỏ hoang nhiều năm liền gây lãng phí lớn.
Lãng phí hàng trăm tỷ đồng vì chung cư bỏ hoang
Nhìn toàn cảnh có thể thấy rõ sự tiêu điều dù trước đây, Khu đô thị mới Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) là kỳ vọng của nhiều người dân, nhất là các hộ dân trong diện GPMB. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả khu đô thị hầu như không có bóng dáng cây xanh, hệ thống chiếu sáng, đèn giao thông.
Trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ngày 3/3/2009, đại diện hai đơn vị là chủ đầu tư tại đây đã nêu ra hàng loạt lý do của việc chậm tiến độ. Hàng nghìn căn hộ đã xây thô chưa thể hoàn thiện được là do thiếu vốn. Trong khi chủ đầu tư đang phải xin TP Hà Nội ứng trước 100 tỷ thì còn mấy hécta đất bỏ hoang chưa thể đem bán đấu giá quyền sử dụng vì chưa có hạ tầng về điện. 19 dự án thứ phát của các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, văn hóa - xã hội, đa năng nhưng cũng chỉ có một phần nhỏ là những dự án ngân sách Nhà nước đã hoàn thành, còn lại hầu hết ở giai đoạn khởi động, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất.
Nguyên nhân tình trạng này do nhà đầu tư cấp I là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà thiếu chế tài quản lý, để các nhà đầu tư tự "chạy" thủ tục. Đáng buồn hơn, các chung cư vừa xây xong đã lỗi thời vì không có trạm xử lý nước thải, nhà thấp tầng, không có tầng hầm, thiết kế căn hộ bên trong quá nhỏ. Những bất tiện đó đã khiến 2/3 số hộ thuộc diện tái định cư tại Nam Trung Yên phải chuyển đi nơi khác vì không đủ diện tích phục vụ sinh hoạt. Nhiều căn hộ hết thời gian bảo hành đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp vì không được duy tu sửa chữa thường xuyên.
Có những tòa nhà bỏ trống hoàn toàn mặc cho hoen gỉ, cỏ dại mọc nghi ngút như nhà B10, B6B và B6C. Những chung cư này đã được hoàn thành cách đây 2 năm với mục đích dành cho 300 hộ dân trong diện GPMB đường vành đai 1 Nguyễn Khoái - Ô Đông Mác nhưng năm này qua năm khác, chung cư dần xuống cấp nhưng vẫn chưa có người đến ở.
Được khởi công từ năm 2003 nhưng đến thời điểm này, các chung cư tại khu đô thị mới Nam Trung Yên đang trong tình trạng xây xong không có người ở hoặc mới chỉ hoàn thành phần xây thô, chưa hoàn thiện.
Dự án khu đô thị Nam Trung Yên rộng 56ha với số vốn kỷ lục 1.900 do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đầu tư phần hạ tầng xã hội và Ban Quản lý dự án trọng điểm thành phố làm chủ đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật. Đến thời điểm này, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội mới chỉ bàn giao được 10 chung cư 13 tầng. Còn lại, 8 chung cư 17 tầng đang hoàn thiện và 13 tòa nhà nữa chưa được khởi công.
Tình trạng chung cư hàng trăm tỷ bỏ hoang không chỉ xảy ra ở khu đô thị Nam Trung Yên. Tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cũng có nhiều nhà chung cư xây xong trông rất hoành tráng nhưng cũng bỏ không. Điển hình như các nhà 2B, 3B, 2D… nhà bỏ trống, tầng 1 làm kho chứa vật liệu, cỏ ngập sân… Đây cũng là quỹ nhà dành cho các hộ dân GPMB đường vành đai 3 nút Thanh Xuân nhưng dùng dằng hàng năm trời, công trình giao thông chậm tiến độ chỉ vướng bất đồng trong khâu GPMB, người dân cũng không di chuyển đến nơi ở mới.
Hay như khu tái định cư Hòa Lạc có diện tích gần 8ha nằm cạnh đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, trên địa phận xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) dành cho những hộ nằm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc phải di dời. Nhưng đến nay số dân đến ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khu đô thị Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm) cũng không nằm ngoài cảnh ngộ với các khu khác khi vẫn còn những tòa nhà hoàn thành nhưng mong ngóng mãi vẫn không có người đến ở…
Chung cư để hoang, hàng trăm tỷ đồng bị lãng phí theo thời gian mưa gió. Đấy là chưa kể đến sự xuống cấp do không được duy tu bảo dưỡng. Liên quan đến những khu nhà tái định cư tại Nam Trung Yên, theo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân chưa thực hiện được di dân tại một số khu vực là do giá bán các căn hộ này vẫn chưa được thống nhất tới người dân.
Có nên để không những chung cư bạc tỷ?
Có một nghịch lý là trong khi quỹ nhà tái định cư (TĐC) của Hà Nội vẫn đang thiếu thì lại có những công trình TĐC trị giá nhiều tỷ đồng tại các khu vực được đánh giá là đắc địa lại bỏ hoang.
Toàn TP Hà Nội hiện nay có 97 tòa nhà chung cư phục vụ tái định cư cho người dân thuộc diện phải GPMB. Riêng trong năm 2008, TP Hà Nội cần bố trí 3.565 căn hộ, lô đất tái định cư cho các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội theo tiến độ nhưng thực tế mới chỉ cân đối, đáp ứng được 2.296 căn hộ, lô đất, còn thiếu 1.269 căn hộ, lô đất chưa cân đối được trong năm 2008 để phục vụ tái định cư các dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, nhu cầu trên mới chỉ tính riêng cho các trường hợp phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa tính đến các căn hộ, lô đất phải giao khi thực hiện Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Chưa kể từ nay đến năm 2010, Hà Nội cần phải có 9.468 căn hộ và lô đất mới cơ bản đáp ứng nhu cầu TĐC cho 38 công trình trọng điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, cho biết: Giá bán nhà TĐC phải căn cứ theo quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán từng loại nhà của cấp có thẩm quyền và mặt bằng giá khu vực, vị trí tại thời điểm TĐC. Sau đó, Sở Tài chính và Sở Xây dựng sẽ tiến hành thẩm tra, trình UBND thành phố quyết định giá bán nhà TĐC cho từng tầng, loại nhà, vị trí của từng dự án cụ thể. Ngoài ra, giá bán nhà còn phải bảo đảm nguyên tắc tính đủ chi phí GPMB, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong, ngoài nhà và tiền sử dụng đất phân bổ. Sau đó sẽ đến hàng loạt khâu thẩm định hồ sơ quyết toán, thẩm định khối lượng từng hạng mục… Vì vậy, do chưa có khung giá để áp dụng, không thể đưa dân về khu tái định cư, đã khiến tiến độ của các công trình giao thông bị chậm trễ.
Thời gian hoàn thành các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long không còn nhiều, các dự án hiện nay đều đang chậm tiến độ và nguyên nhân chủ yếu là vướng khâu GPMB. Chính vì không hoàn thành GPMB đúng hẹn nên các chung cư dù xây xong vẫn phải đóng cửa im ỉm chờ chủ nhân. Ngoài chuyện lãng phí hàng trăm tỷ đồng, những chung cư bỏ hoang còn là minh chứng cho việc giải quyết thiếu hiệu quả, kiên quyết trong quản lý đô thị.
Chiều 3/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã phê bình các chủ đầu tư, các sở liên quan và nhấn mạnh: UBND quận Cầu Giấy phải có trách nhiệm sớm tổ chức, ổn định sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Đồng thời Ban Quản lý dự án Nam Trung Yên thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, khớp nối các công việc và thường xuyên báo cáo tình hình triển khai dự án lên thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân