Nhiều dự án tiếp tục khát vốn

Cập nhật 04/01/2010 08:45

Vốn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2010 của TPHCM chỉ dừng ở con số 14.044 tỉ đồng, chưa đến 50% nhu cầu Năm 2010 là năm cuối để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2006-2010) và cũng là năm tiền đề thực hiện kế hoạch 5 năm kế tiếp...

Vốn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2010 của TPHCM chỉ dừng ở con số 14.044 tỉ đồng, chưa đến 50% nhu cầu

Năm 2010 là năm cuối để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2006-2010) và cũng là năm tiền đề thực hiện kế hoạch 5 năm kế tiếp, vì vậy nhu cầu vốn cần cho đầu tư phát triển trên địa bàn TPHCM tương đối cao trong điều kiện nguồn vốn ngân sách eo hẹp, khả năng nhiều dự án lớn sẽ tiếp tục lâm vào cảnh... thiếu trước hụt sau.
 

Giải phóng mặt bằng Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi-Vành đai ngoài tại phường 3, quận Gò Vấp. Ảnh: T.Thạnh


“No nửa bụng”


Thống kê nhu cầu vốn của các sở-ngành, quận-huyện và các chủ đầu tư cho thấy số vốn cần cho lĩnh vực đầu tư xây dựng năm 2010 lên đến hơn 33.665 tỉ đồng. Trong đó, “ngốn” nhiều nhất là kinh phí dành cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án lớn: Đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành – Tham Lương, lên tới 5.347,56 tỉ đồng. Các công trình chuyển tiếp từ năm 2009 qua cũng cần đến 12.479 tỉ đồng, các công trình khởi công mới cần 3.354 tỉ đồng, các dự án chuẩn bị đầu tư cần 1.470 tỉ đồng...

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, nguồn vốn ngân sách dành cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2010 chỉ dừng ở con số 14.044 tỉ đồng. Để các dự án có thể “chạy” kịp tiến độ, trong lần bố trí vốn đợt 1 của năm 2010, TP sẽ cấp 3.524,3 tỉ đồng cho dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành – Tham Lương. Đối với 117 dự án chuyển tiếp, TP sẽ cấp 1.005 tỉ đồng theo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2010, các dự án hoàn thành sau tháng 6-2010 sẽ được bố trí vốn theo tiến độ thực hiện nhưng không vượt quá 50% nhu cầu vốn cả năm.

BOT vẫn là số một

Theo đánh giá, những năm gần đây, đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đã mang lại hiệu quả nhất định: Vốn ngân sách không phải bỏ ra nhiều mà vẫn có được các công trình cầu - đường trọng yếu, như cầu Phú Mỹ, sắp tới là xa lộ Hà Nội mở rộng, cầu Sài Gòn 2... Do đó, trong năm 2010, UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT nhanh chóng xác định danh mục các dự án hạ tầng trọng điểm có thể thực hiện theo hình thức BOT để đưa ra kêu gọi đầu tư. Đồng thời triển khai và nhân rộng phương thức bán quyền khai thác các công trình đã đầu tư xây dựng xong từ nguồn vốn ngân sách nhằm thu hồi vốn nhanh để chuyển sang đầu tư cho các dự án hạ tầng khác. Trước đây, TP đã thực hiện khá thành công phương thức này khi nhượng quyền khai thác dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ cho Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.

Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư bằng hình thức BOT, TP yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các sở: Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, GTVT và UBND các quận - huyện rà soát lại danh mục các khoản phí, lệ phí đã ban hành để triển khai thu trong năm 2010 như phí vệ sinh môi trường, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí sử dụng lòng lề đường... Đồng thời từ thực tiễn của TP, nghiên cứu ban hành một số khoản thu phí, lệ phí phù hợp để tăng nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, các khu đất đã được thu hồi, các mặt bằng nhà xưởng sử dụng không hiệu quả sẽ được đưa ra bán đấu giá.

TPHCM cũng kiến nghị Trung ương xem xét bổ sung cho TP 300 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư ngay 2 tuyến đê bao và 3 tuyến cống lớn trên tuyến đê bao nhằm hỗ trợ cho chương trình chống ngập úng.
 

Có vốn nhưng vẫn... ì ạch

Nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2009 lên đến trên 32.000 tỉ đồng nhưng ngân sách TP chỉ đáp ứng được hơn 16.117 tỉ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội chiếm gần 3.000 tỉ đồng. Theo đánh giá, nhiều dự án trọng điểm đã được tập trung vốn nhưng vẫn thực hiện rất chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn như khu tưởng niệm các Vua Hùng, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong Khu Công nghệ cao TP...


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động