Nhiều dự án "bán mình", nguồn cung nhà đất tăng mạnh

Cập nhật 01/02/2015 07:33

Tính đến hết năm 2014, TP.HCM có khoảng 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó số dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng chiếm gần 50% với 689 dự án.

Tính đến hết năm 2014, TP.HCM có khoảng 1.403 dự án phát triển nhà ở, trong đó số dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng chiếm gần 50% với 689 dự án.


Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay mới chỉ hồi phục từng chút một và nhìn tổng thể vẫn đang rất khó khăn.

Dù các DN BĐS đang trong tình trạng gặp khó khăn trong việc bán hàng, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, giải quyết bài toán thanh khoản, nợ xấu hoặc tìm kiếm nguồn vốn cho dự án, nhưng trong năm 2014, vẫn có nhiều dự án được khởi công, xây dựng mà điển hình là dự án khu đô thị Tân Cảng (43ha), dự án khu đô thị Sa La – Đại Quang Minh, dự án Masteri Thảo Điền, dự án chung cư vừa và nhỏ của công ty Hưng Ngân,  công ty Phước Thành, dự án chung cư nhà ở xã hội Thảo Điền…

Trong năm 2014, nhiều dự án nhà ở cũng đã được hoàn thành bàn giao cho khách hàng. Trong đó, còn có dự án nhà ở xã hội rất lớn tại quận 2 (1.080 căn), Quận Tân Bình (116 căn) do công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê tại khu chế xuất Linh Trung (390 phòng phục vụ cho 2.400 người thuê) do công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư.

Trong năm 2014, thị trường chuyển nhượng dự án BĐS (M&A)  tại TP.HCM cũng khá sôi động.

Điển hình là công ty Novaland mua lại các dự án Lexington, Galaxi 9, Icon 56, Prince, Tresor, Rivergate..., Công ty Hưng Thịnh mua lại các dự án Thiên Nam, 12 View, Thới An, Công ty Phúc Khang mua laị dự án Eco Town, Công ty Phát Đạt mua lại 2 dự án ở quận 1, Công ty An Gia (mua lại các dự án An Gia Garden, An Gia Star, một phần dự án Lacasa), Capitalland mua lại các dự án The Vista, ParcSpring, Vista Verde, Sparkle, Mulberry & Harmony, Công ty Đất Xanh mua lại các dự án CT 15, Riverside Garden, Green Cit…

Sự sôi động của thị trường M&A đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng và thị trường.

Năm 2014, thị trường BĐS TP.HCM tiếp tục đà hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay.

Trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường tiêu thụ tốt.

Phân khúc thị trường văn phòng cho thuê, khu thương mại cũng đang có dấu hiệu hồi phục với giá cho thuê đang ở mức rất cạnh tranh, ở trung tâm quận 1 có dự án chỉ cho thuê với mức khoảng từ 16 đến 17 USD/m2.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các DN, thị trường BĐS hiện nay mới chỉ hồi phục từng chút một và nhìn tổng thể vẫn đang rất khó khăn.

Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, năm 2014 đã kết thúc chu kì đi xuống của thị trường BĐS với giao dịch về nhà ở tăng gần 2 lần so với năm 2013, giá bán ổn định. Tuy nhiên tình trạng tồn đọng, tồn kho, nợ xấu vẫn còn tồn tại. Năm 2015 sẽ có phục  hồi cho thị trường BĐS nhưng không phải bước phát triển nhảy vọt.

Cùng quan điểm như trên TS. Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP.HCM lo ngại mặc dù năm 2014 được coi là năm bùng nổ của các dự án BĐS nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều DN rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng nguồn  cung đang tăng cao liên tục trong thời gian qua cũng là điều đáng phải băn khoăn khi sức hấp thụ của thị trường vẫn chưa được như kì vọng.

Bên cạnh những tồn tại của thị trường, nhiều  DN  cho biết, việc thiếu thông tin về cung-cầu cũng như sự mù mờ về Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng đang làm khó DN trong việc điều tiết các kế hoạch đầu tư, kinh doanh.

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, để thị trường BĐS phục hồi cần phải có sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN trên cơ sở các cơ chế, chính sách mới của Chính phủ để xử lý các nút thắt của thị trường BĐS là hàng tồn kho, nợ xấu, sức mua yếu đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến hết năm 2014, TP.HCM đã giải quyết được 8.208 căn hộ tồn kho trên tổng số 14.490 căn hộ tồn kho từ cuối năm 2012 chiếm trên 56%.

Trong đó 11 tháng đầu năm 2014 đã giải quyết được 3.131 căn. 6282 căn hộ tồn kho còn lại chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, các căn hộ ở vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kĩ thuật hoặc chậm tiến độ.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet