Nhiều doanh nghiệp Nhà nước mắc kẹt vì đầu tư bất động sản

Cập nhật 09/07/2015 16:54

Dự án được các tổng công ty bỏ vốn đầu tư từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thành, thậm chí chưa triển khai, gây lãng phí lớn, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Dự án được các tổng công ty bỏ vốn đầu tư từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thành, thậm chí chưa triển khai, gây lãng phí lớn, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Báo cáo kiểm toán năm 2014 vừa được hoàn tất của Kiểm toán Nhà nước một lần nữa chỉ ra những yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty trong sử dụng tài sản, quản lý vốn và đầu tư.


Nhiều dự án bất động sản do các Tổng công ty đầu tư từ gần chục năm trước đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh minh họa: Vũ Lê.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2013, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng, kinh doanh những dự án bất động sản chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả đồng vốn.

Ví dụ, Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 đầu tư vào Dự án Cao ốc Valta của Công ty Cơ khí Xây dựng Tân Định xây từ năm 2006 vẫn chưa hoàn thành. Vinachem đầu tư dự án DAP Hải Phòng chậm tiến độ hơn 60 tháng. Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam cũng bị kẹt khi Dự án Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không Liên Khương kéo dài thêm 2 năm, đồng thời Dự án Cơ sở làm việc của các đơn vị khu vực sân bay Gia Lâm kéo dài hơn 1 năm. Công ty mẹ - Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đầu tư Dự án Khu đô thị mới Cầu Giấy phát sinh từ năm 2006 cũng chưa được triển khai thực hiện.

Một số dự án mà các doanh nghiệp nhà nước tham gia, thậm chí đang bị tạm dừng triển khai nên theo đánh Kiểm toán Nhà nước, việc này "gây lãng phí vốn đầu tư".

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Như Tổng công ty Thép Việt Nam, nợ khó đòi của Công ty Gang thép Thái Nguyên gần 595 tỷ đồng, chiếm 93% nợ phải thu. Tổng Công ty Thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) cũng có 126 tỷ đồng nợ khó đòi (chiếm 22%).

Một số tổng công ty, theo Kiểm toán Nhà nước, đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. Như Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, đầu tư nhiều tài sản phải dừng hoạt động như Hệ thống truyền hình kỹ thuật số hơn 22 tỷ đồng; thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho một số trạm phát cấp tỉnh, cấp huyện; một số thiết bị thuộc dự án Hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng Internet 1,76 tỷ đồng...

Do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao tới hơn 30 lần. Như Công ty Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần; Công ty Nguyên liệu Giấy miền Nam 36,2 lần...

Sáng mai, Kiểm toán Nhà nước sẽ họp báo chính thức công bố các kết luận kiểm toán năm 2014 cũng như kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán năm 2013. Năm 2014, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp thuộc 38 Tập đoàn, Tổng công ty.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress