Theo thống kê từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay, trên cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trong đó 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu thuê, mua nhà ở.
Nhưng chỉ 7 đến 10% số lao động này được tạm trú tại các khu nhà ở do doanh nghiệp hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng. Số còn lại phải tự thuê nhà̉ trọ của tư nhân hoặc ở nhờ người thân với tâm lý bấp bênh, khó yên tâm “an cư lạc nghiệp.”
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 66/2009/QĐ-TTg về phát triển nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp với định hướng, tới năm 2015, khoảng 50% công nhân tại khu vực này sẽ được giải quyết chỗ ở.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, các địa phương và chủ doanh nghiệp đăng ký phát triển 110 dự án nhà ở công nhân giai đoạn 2010-2015, đáp ứng chỗ ở cho trên 960.000 người. Đến nay, 25 dự án đã được khởi công xây dựng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 129.000 công nhân, 9 dự án đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Cân đối cung cầu về nhà ở công nhân cho thấy, thị trường này vẫn còn bị bỏ trống và chưa nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các địa phương và Nhà nước, theo nhận định của tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Qua tìm hiểu thực tế, phần lớn doanh nghiệp, các chủ đầu tư khu công nghiệp không mặn mà phát triển các dự án nhà ở cho công nhân lao động với nhiều lý do khó khăn về thủ tục hành chính, khó tiếp cận với quỹ đất, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu các ưu đãi, khuyến khích đầu tư từ phía Nhà nước… đặc biệt là lợi nhuận rất “mỏng.”
Làm sao để xây dựng được một căn hộ công nhân giá rẻ luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư xây dựng, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ đang phải chịu nhiều sức ép, các ngân hàng hạn chế cho vay, tình hình lạm phát khiến chi phí đầu tư xây dựng tăng cao và bản thân người lao động cũng khó có thể mua nhà, nếu giá bán không rẻ.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế đã gợi ý rằng, để tạo điều kiện phát triển nhà ở công nhân, các chỉ tiêu về quy hoạch-kiến trúc phải tăng lên như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất nhất là số dân cư. Công nhân có thể chấp nhận điều kiện sống thấp hơn khu ở thương mại, nhưng phải đảm bảo tốt hơn các phòng trọ, lán trại. Cần có tiêu chuẩn xây dựng nhà ở công nhân khác với nhà ở thương mại và phải được cụ thể hóa bằng văn bản.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Xây dựng, nhà ở công nhân chỉ được phép xây dựng 6 tầng trở xuống nên không cần thang máy, việc dùng thang bộ còn có thể làm tăng diện tích sử dụng và giảm chi phí đầu tư. Các căn hộ chủ đạo có thể từ 20 đến 40m2 dành cho 1 đến 2 người, có chỗ để xe vừa phải, không có chỗ để ôtô. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không cần đầu tư quá nhiều, quá hiện đại như đối với nhà ở thương mại. Chỉ nên đầu tư những hạng mục mang tính thiết yếu và giảm chi vào tủ tường, tủ bếp…
Điển hình như Công ty Địa ốc Đất Lành, từng giới thiệu mô hình nhà ở công nhân giá rẻ, chỉ dưới 2,7 triệu đồng/m2 (đã tính cả hệ số kinh doanh) đang rất được dư luận và giới chuyên môn đánh giá cao. Do áp dụng khoa học kỹ thuật trong thiết kế và thi công để giảm giá thành, doanh nghiệp đã sử dụng móng công trình hiệu quả tránh lãng phí, những chỗ đất tốt có thể sử dụng móng trên nền đất tự nhiên thay vì móng cọc, tiết giảm hơn 60% chi phí xây dựng móng.
Doanh nghiệp còn có ý tưởng, triển khai xây dựng các đại công trường, trạm bơm bê tông, sản xuất gạch tại chỗ, cửa ra vào, tủ, bếp… để giảm chi phí vật liệu và vận chuyển. Sử dụng vật liệu có chất lượng không cao, nhưng vẫn đáp ứng được mức độ tiện nghi tối thiểu.
Một gợi ý khác từ đại diện Công ty ổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương về phát triển nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Đất Cuốc. Với trên 12ha đưa vào quy hoạch để xây dựng chung cư và nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư đã vận động các doanh nghiệp tự xây dựng hoặc liên kết xây dựng gần 2.000m2 nhà ở cho trên 400 người lao động.
Với mô hình nhà cấp 4, diện tích mỗi căn hộ khoảng 18m2, có gác lửng, nhà vệ sinh, phòng tắm, bếp. Điện, nước được cung cấp tới từng căn hộ và được trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy chung để xử lý các sự cố phát sinh.
Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp để chăm lo đời sống cho người lao động, cốt yếu vẫn cần sự quan tâm và đầu tư “mạnh tay” hơn từ phía Nhà nước về cả tiềm lực tài chính và cơ chế thực hiện. Điều đó sẽ giúp công nhân lao động, người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định với chi phí phù hợp, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng lao động mang lại nhiều ý nghĩa ổn định kinh tế-xã hội ở từng địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+