Nhiều chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ ngồi "đuổi ruồi"

Cập nhật 19/03/2015 13:50

Hàng ngàn mét vuông mặt bằng bán lẻ dưới chân tòa cao ốc số 15 - 17 Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) do Công ty Thương mại và du lịch tổng hợp Thăng Long GTC làm chủ đầu tư vẫn bỏ không từ cuối năm 2014 đến nay sau khi đơn vị thuê diện tích này là Siêu thị Hiway chuyển đi.

Hàng ngàn mét vuông mặt bằng bán lẻ dưới chân tòa cao ốc số 15 - 17 Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) do Công ty Thương mại và du lịch tổng hợp Thăng Long GTC làm chủ đầu tư vẫn bỏ không từ cuối năm 2014 đến nay sau khi đơn vị thuê diện tích này là Siêu thị Hiway chuyển đi.

Tập đoàn Lotte mới khai trương siêu thị Lottemart tại cao ốc 65 tầng ở ngã ba Liễu Giai – Đào Tấn

Hiway trong chiến dịch tái cơ cấu hoạt động của mình, sau khi đổi tên thành Sapomart đã chuyển đến địa điểm thuê gần đó là Trung tâm Triển lãm Giảng Võ với mức giá thuê “mềm” hơn.

Sự kiện này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) khai trương siêu thị Lottemart tại cao ốc 65 tầng ở ngã ba Liễu Giai – Đào Tấn, cách địa điểm bán hàng cũ của Sapomart không xa.

Phân khúc mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội vài năm trở lại đây đã có sự đổ bộ của nhiều trung tâm thương mại (TTTT) mới, quy mô lớn như TTTM Savico Megamall (60.000 m2), TTTM Keangnam Landmark (hơn 50.000 m2), TTTM Indochina Plaza (32.600 m2), TTTM Hapulico Complex (36.000 m2), TTTM Royal City (hơn 200.000 m2), Times City (hơn 360.000 m2)… CBRE Việt Nam vào tháng 2/2015 cũng cho hay, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đến cuối năm 2015 sẽ đạt mốc xấp xỉ 1 triệu m2 (trong khi con số này tại TP.HCM là 600.000 m2). Ngoài việc có nhiều nguồn cung bán lẻ chính thức hơn so với TP.HCM, Hà Nội còn có giá thuê “mềm” hơn và nhiều vị trí trống hơn.

Nhưng nhà đầu tư vào phân khúc mặt bằng bán lẻ có thể cảm nhận được sự khó khăn của thị trường khi hàng loạt nhà bán lẻ phải đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư tại những dự án có tên tuổi như tại Hà Nội như Grand Plaza, Hàng Da Gallery, hay Picomall.

Trung tâm thương mại Grand Plaza và Hàng Da Gallery đã trải qua nhiều chiến dịch tái cơ cấu nhưng đến nay, phần lớn diện tích mặt bằng bán lẻ vẫn bỏ trống. Picomall tại phố Tây Sơn đã phải chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích trung tâm thương mại cho nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc là LotteMart.

Hiện tại, không có con số thống kê chính xác và đầy đủ về diện tích còn trống tại các dự án trung tâm thương mại, sảnh bán lẻ... Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh trong việc thu hút khách thuê mặt bằng bán lẻ là có thật khi những tấm biển chào thuê mặt bằng trên các tuyến phố của Hà Nội ngày một nhiều hơn.

Thậm chí mới đây “đại gia” Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Hoa Binh Group đã quyết định miễn phí thuê 25.000 m2 mặt bằng tại Dự án Hòa Bình Green City (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho các doanh nghiệp trong nước bán hàng Việt Nam với lý do khuyến khích sự phát triển của hàng Việt.  Điều này càng làm tăng thêm sức ép cho các nhà đầu tư mặt bằng bán lẻ.

Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ mới như Berli Jucker (BJC), Power Buy (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc) hay Sovico, Vinmart, Vinpro (Việt Nam) nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là bởi, trong khi các chủ đầu tư bất động sản như Vingroup, Lotte tìm phương án kinh doanh trên chính diện tích mặt bằng đã đầu tư tư, thì  một số nhà bán lẻ mới xuất hiện như Aeon, Sovico lại tìm kiếm địa điểm đầu tư xây dựng mặt bằng bán lẻ cho chính hệ thống của mình,  khiến sự cạnh tranh ngày càng phức tạp. Trước thách thức này, việc linh hoạt trong chính sách và giá cho thuê đang đặt các chủ đầu tư vào cuộc cạnh tranh mới để không phải ngồi đuổi ruồi.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư