Hàng trăm ngôi biệt thự cổ một thời là niềm tự hào của người Hà Nội hiện đang xuống cấp trầm trọng. Những biệt thự bị "nhồi" hơn chục gia đình, bỏ hoang để mặc mưa nắng dãi dầu...
Hàng trăm ngôi biệt thự cổ một thời là niềm tự hào của người Hà Nội hiện đang xuống cấp trầm trọng. Những biệt thự bị "nhồi" hơn chục gia đình, bỏ hoang để mặc mưa nắng dãi dầu...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội dừng ngay việc phá các biệt thự cũ và đồng thời có kế hoạch phục hồi, trùng tu duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này. Liệu có thể "hồi sinh" cho những biệt thự đã bị biến dạng và dần trở thành phế tích?
Nhà hiện đại "nuốt" dần biệt thự cổ
Tìm đến biệt thự cổ số 26 Phan Chu Trinh, phải cố gắng lắm chúng tôi mới nhìn thấy chóp căn nhà này nhô ra một cách yếu ớt sau một ngôi nhà cao tầng đang gấp rút hoàn thiện. Ngõ vào căn biệt này giờ chỉ còn là một lối đi nhỏ, sâu hun hút.
Bác Hoàng Quế Song, một trong số những gia đình đang trú tại căn biệt thự này kể, bác là con dâu thứ 10 của gia đình. Ngôi biệt thự là của 2 cụ Nguyễn Hữu và Hoàng Thị Đoan. Chủ nhà vốn là học sinh khoá 1 của Trường Y Đông Dương. Ngôi biệt thự cổ này cũng có hơn 100 năm tuổi. Ông bà đã quyết định chia ngôi biệt thự này cho 12 người con. Phần đất lưu không phía trước, vườn khế bên cạnh trong khuôn viên ngôi biệt thự được chia cho các con.
Nhiều biệt thự cổ đang dần trở thành phế tích. |
Một thời gian sau thì hai người con đã bán những phần đất này cho người khác. Một công ty đã bỏ ra 19 tỷ đồng mua lại toàn bộ diện tích trên và xây một ngôi nhà 5 tầng án ngữ trước mặt ngôi biệt thự. Nhà xây lên đến đâu thì ngôi biệt thự bị che kín đến đó.
"Hồi người ta mới xây dựng gia đình cũng đã có đơn, nhưng sau đó thì cơ quan chức năng cho biết họ được cấp phép xây dựng nên mình cũng đành chịu". Bác Song dẫn chúng tôi theo những bậc thang gỗ cũ kỹ tham quan một vòng ngôi biệt thự cổ. 21 thành viên của 4 gia đình đang sống trong biệt thự. Thời gian, nắng mưa hằn vết loang lổ lên ngôi biệt thự. Những người già sinh sống tại đây chỉ còn biết hoài niệm về một ngôi biệt thự cổ nhìn ra đường Phan Chu Trinh.
Chúng tôi tìm đến địa chỉ một ngôi biệt thự nằm ở 18A Lê Thánh Tông. Nơi đang có hàng chục nhân khẩu sinh sống với đủ các quán cháo lòng, cà phê, cửa hàng… Nếu không được bà Nguyễn Thị Khả, năm nay đã 80 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà này kể lại thì chúng tôi chẳng thể hình dung được nơi đây xưa kia từng là một biệt thự cổ được sử dụng làm khách sạn rất đẹp.
Để đáp ứng nhu cầu sinh sống cũng như chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay ngôi biệt thự này gần như được sửa chữa, cải tạo rất nhiều. Những dấu tích còn lại có chăng chỉ là vài bậc thang gỗ mờ tối và những góc tường loang lổ vết tích.
Những ngôi biệt thự bỏ hoang trên các tuyến phố vàng
Cũng là một ngôi biệt thự nhưng nhiều người qua đường không khỏi xót xa và cám cảnh cho ngôi biệt thự nằm ở 31 Lê Thánh Tông. Ngôi biệt thự này giờ đây đã trở thành đống hoang tàn, đổ nát. Toàn bộ phần mái đã bị bay mất chỉ trơ khấc lại những gian tường lở lói, nứt nẻ trông rất thảm thương. Toàn bộ khuôn viên ngôi biệt thự khá rộng này bị bỏ hoang.
Những biệt thự này hầu hết đều được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. |
Những người sống quanh ngôi nhà này cho biết: Ngôi biệt thự này đã được một đại gia lắm tiền ở TP Hồ Chí Minh mua lại mấy năm nay và đang… để đấy. Sự hiện diện của ngôi biệt thự hoang tại đây càng tăng thêm sự nuối tiếc với thời vàng son mà giờ đây nó còn gây ra sự phản cảm đối với với trật tự mỹ quan đường phố...
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng số biệt thự thống kê được trên địa bàn thành phố quản lý là 970 biệt thự. Trong số này có 42 biệt thự không bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán và 536 biệt thự chỉ bán một phần.
Hầu hết các biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được xây dựng trước năm 1954, có kiến trúc kiểu Pháp, một số được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, phần lớn tọa lạc ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính của Thủ đô.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 15% biệt thự còn nguyên trạng trong khi tỷ lệ đã bị cải tạo, biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm tới 80% và 5% còn lại đã bị phá đi xây dựng lại. Những biệt thự này hầu hết đều được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân