Nhiệm vụ gian nan

Cập nhật 18/04/2009 11:50

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ không đơn giản, bởi các dự án chậm tiến độ lại chiếm đa số.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ không đơn giản, bởi các dự án chậm tiến độ lại chiếm đa số.

Theo Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng và kinh doanh BĐS, bắt đầu từ ngày 1/5/2009, chủ đầu tư các dự án kinh doanh BĐS sẽ bị phạt 40 - 50 triệu đồng nếu không đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo đúng dự án đã được phê duyệt hoặc không dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng quỹ nhà ở xã hội theo quy định (Khoản 2, Điều 50).

Nếu chiếu theo quy định này, chỉ tính riêng tại Hà Nội, số dự án BĐS bị xử phạt sẽ lên đến con số hàng trăm. Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Nam Trung Yên (do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đầu tư phần hạ tầng xã hội và Ban quản lý dự án trọng điểm Thành phố làm chủ đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật) đáng lẽ đã phải được hoàn thành từ năm 2007, nhưng đến thời điểm này, mới bàn giao được 10 chung cư 13 tầng. Nếu theo quy hoạch chi tiết thì dự án này còn 8 toà chung cư 17 tầng chưa xây xong và 13 tòa nhà nữa chưa được khởi công.

Điều đáng nói hơn nữa là sự “khấp khểnh” trong hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Dự án Nam Trung Yên, khiến khách hàng ngại mua nhà ở hoặc đầu tư vào đây. Theo chủ trương của Thành phố Hà Nội, để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, Dự án Khu đô thị mới Nam Trung Yên được phép đấu giá 165 lô đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng Dự án.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư mới tiến hành đấu giá được 69 lô, gần 100 lô đất còn lại vẫn bỏ hoang vì chưa có hạ tầng (cụ thể là chưa có điện). Theo thống kê, trong khuôn khổ dự án này, còn hơn 10 dự án thứ phát trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, văn hóa - xã hội... chưa hoàn thành. Hiện tại, chủ đầu tư đang xin UBND Thành phố Hà Nội ứng trước 100 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào dự án này.

Tương tự, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh đã để dở dang nhiều năm nay. Chủ đầu tư dự án là Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội). Dự án có quy mô vốn đầu tư dự kiến trên 384,8 tỷ đồng, với mục tiêu đặt ra là xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch trong khu vực, tạo quỹ đất, quỹ nhà (khoảng 600 căn hộ), các công trình hạ tầng xã hội, dịch vụ công cộng, tạo cảnh quan đô thị và cải thiện đời sống cho người dân.

1/4 diện tích đất xây dựng nhà ở của Dự án được để dành cho quỹ nhà ở của Thành phố phục vụ cho các đối tượng chính sách và di dân tái định cư. Dự án bắt đầu tiến hành xây dựng từ cuối năm 2002 và theo kế hoạch, phải hoàn thành vào năm 2006, nhưng đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm kể từ ngày khởi công, nơi đây vẫn là một công trường dở dang.

Một thực tế mà cả chủ đầu tư các dự án BĐS và khách hàng đều thừa nhận là, chỉ cần bàn giao nhà cho khách hàng đúng cam kết trong hợp đồng hoặc chậm so với hợp đồng không quá 6 tháng đã được xem là kỳ tích. Trong khi đó, việc dành đủ quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng quỹ nhà ở xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ theo tiến độ dự án được phê duyệt vẫn được cả chủ đầu tư lẫn khách hàng coi là điều... xa xỉ.

Chỉ cần lướt qua một vòng ở Hà Nội, không khó để nhận ra vô số dự án BĐS không tuân thủ theo đúng tiến độ xây dựng như đã cam kết. Tuy nhiên, việc xử phạt các chủ đầu tư sẽ không đơn giản, bởi các dự án chậm tiến độ lại chiếm đa số.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư