Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đang trên đà phát triển mở rộng. Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển mở rộng ít nhất kéo dài đến năm...
Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đang trên đà phát triển mở rộng. Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển mở rộng ít nhất kéo dài đến năm 2020, khi Việt Nam cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá, đi vào phát triển theo chiều sâu.
Chưa đáp ứng về lượng
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Chủ nhiệm Khoa Kinh doanh Bất động sản Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét: "Nguồn nhân lực hiện nay là thiếu và yếu. Thiếu vì chưa đủ nhân lực đáp ứng cho nhu cầu mở rộng và ra đời của rất nhiều công ty kinh doanh bất động sản.
Yếu vì chưa qua đào tạo chưa có kiến thức một cách hệ thống. Những người kinh doanh trong lĩnh vực này chưa nhiều kinh nghiệm thực tế, nên khả năng chia sẻ kinh nghiệm và tự đào tạo thông qua công việc thấp. Một số lĩnh vực thiếu nhân lực trầm trọng, từ thiết kế, thi công đến việc quản lý vận hành và tiếp thị tới các khách hàng quốc tế đối với các công trình bất động sản lớn".
Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển hoạt động kinh doanh bất động sản có thể kể đến: Các cán bộ kỹ thuật về thi công xây dựng; các nhà thiết kế - kiến trúc; các cán bộ lập và phân tích quản lý dự án đầu tư; những người thực hiện chức năng tổ chức tiêu thụ; các nhà môi giới bất động sản; người làm nghề tư vấn về bất động sản; các chuyên gia định giá bất động sản; các chuyên gia quản lý vận hành và khai thác các công trình bất động sản.
Theo đánh giá, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa có tính chuyên nghiệp. Hầu hết những người đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa được đào tạo, trang bị kiến thức về kinh doanh bất động sản. Họ lấy kinh nghiệm kinh doanh từ các lĩnh vực khác mà họ đã trải nghiệm để vận dụng vào kinh doanh bất động sản.
Cung thiếu trầm trọng
Do nguồn nhân lực còn khan hiếm, nên những người được đào tạo cơ bản, có kiến thức về bất động sản được các công ty "săn đón" rất nhiệt tình. Ngay cả những sinh viên chuyên ngành kinh doanh bất động sản trong thời gian thực tập tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp chào mời.
Trên thực tế, hiện có một số cơ sở có đào tạo về kinh doanh bất động sản, như đại học Nông lâm Tp.HCM có ngành Quản lý đất đai và Thị trường bất động sản nhưng trọng tâm về quản lý đất đai; Học viện Tài chính có chuyên ngành Thẩm định giá, trong đó có thẩm định giá bất động sản... một số đơn vị cũng tổ chức các khoá đào tạo về kinh doanh bất động sản theo phương thức bồi dưỡng ngắn hạn. Đào tạo hệ đại học đúng chuyên ngành kinh doanh bất động sản hiện nay chỉ duy nhất đại học Kinh tế quốc dân và mới có một khoá tốt nghiệp (năm 2006).
Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, "thiếu cung không có nghĩa là đào tạo đại trà, cung cấp cho thị trường sản phẩm kém chất lượng". Đào tạo hệ cử nhân là đào tạo ra những nhân lực cốt lõi, thị trường bất động sản trên thế giới đã phát triển ở bậc cao, do đó không thể "bê nguyên xi" những lý thuyết đó vào Việt Nam mà phải chọn lọc phù hợp.
Theo Luật Kinh doanh bất động sản, cá nhân hoạt động môi giới, định giá bất động sản, quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyên môn. Tuy nhiên, vấn đề đang được dư luận quan tâm: Học các khoá này ở đâu, cơ sở nào được phép đào tạo? Vừa qua, Đại học Kinh tế quốc dân được Bộ Xây dựng mời tham gia soạn thảo khung của chương trình đào tạo môi giới, định giá, quản lý sàn bất động sản. Chỉ một thời gian rất ngắn nữa, khung chương trình sẽ được Bộ Xây dựng ban hành, sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Khi đó, những cơ sở đào tạo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, như có đăng ký kinh doanh về đào tạo, có chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy đáp ứng yêu cầu của các môn học... sẽ được phép mở các khoá đào tạo và cấp chứng nhận đã qua đào tạo môi giới, định giá bất động sản, quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.
Kinh doanh bất động sản phân thành 3 lĩnh vực chính. Mảng đầu tư phát triển, sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá bất động sản như: xây dựng nhà ở, văn phòng công sở, trung tâm thương mại, các công trình dịch vụ... Mảng kinh doanh mua bán, trao đổi, cho thuê và cho thuê lại bất động sản, như: Mua đất, nhà, công trình bất động sản để bán lại hoặc cho người khác thuê; thuê đất, nhà, công trình bất động sản rồi cho người khác thuê lại... Ngoài ra, còn có hình thức kinh doanh dịch vụ bất động sản, như môi giới, định giá, quản lý bất động sản...
Theo Lao động