Nhận diện thị trường BĐS cuối năm

Cập nhật 08/05/2013 16:45

Với hàng chục giải pháp mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đưa ra, liệu thị trường bất động sản có khởi sắc vào cuối năm nay?

Với hàng chục giải pháp mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đưa ra, liệu thị trường bất động sản có khởi sắc vào cuối năm nay?

Bộ Xây dựng đang kiến nghị, trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, nên ấn định tỷ lệ 2/3 cho người mua nhà

“Mắt xích” cuối cùng cũng đã được ấn định thời gian khớp nối khi lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết ngay trong tuần này sẽ họp bàn lần chót với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện thông tư nhằm sớm đưa gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà vào thực tế. Cùng với hàng chục giải pháp khác mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đưa ra, liệu thị trường bất động sản có khởi sắc vào cuối năm nay?

Sau khi Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành ngày 7/1/2013, Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo dự thảo thông tư hướng dẫn giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan. Dự thảo thông tư trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, DN khát vốn, việc có được một gói tín dụng với lãi suất thấp, thời hạn dài được người dân và DN đặt nhiều kỳ vọng.

Theo dự thảo thông tư, lãi suất cho vay dự kiến áp dụng ổn định 6%/năm đến thời điểm 15/4/2016. Sau thời điểm này, khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Thời hạn cho vay đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà tối thiểu 10 năm và tối đa là 5 năm đối với DN.

Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Xây dựng đã kiến nghị cần duy trì mức lãi suất 6% năm trong suốt kỳ hạn 10 - 15 năm, hoặc 6%/năm trong 3 năm đầu còn sau đó lãi suất điều chỉnh nhưng chỉ bằng 1/2 mặt bằng lãi suất cho vay thương mại. Đặc biệt, trong 30.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ trên, nên ấn định tỷ lệ 2/3 dành cho người mua nhà, 1/3 còn lại dành cho các DN có dự án cần hoàn thiện.

Xung quanh gói hỗ trợ này, có nhiều ý kiến trái chiều. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, TS. Alan Phan cho rằng, rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng, địa ốc có thể cầm máu nhưng vết thương khó lành. Bởi vậy, nên để thị trường "rơi tự do" để giá nhà giảm thêm 30 - 50% thì mới phù hợp với thu nhập của người dân.

Ngay lập tức, ý kiến trên đã thổi bùng một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh câu chuyện có nên giải cứu thị trường bất động sản hay không? Chỉ “đồng tình một nửa” với ý kiến trên, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chỉ nên để các DN bất động sản làm ăn yếu kém, chộp giật “rơi tự do”, còn Nhà nước vẫn cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một chủ trương đúng đắn, và để phát huy hết hiệu quả thì gói hỗ trợ cần đến đúng đối tượng và minh bạch.

"Gói hỗ trợ sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, điều chỉnh những bất hợp lý, méo mó của địa ốc. Khi có bất cập, cần có bàn tay can thiệp của Chính phủ, chứ không thể để thị trường rơi tự do", ông Cường nói.

Bày tỏ quan điểm của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì cần hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó, có giải pháp cấu trúc lại sản phẩm bất động sản, giải pháp về các nguồn lực cho bất động sản, đặc biệt về vốn.

“Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tuy nhỏ nhưng rất quan trọng vì đây sẽ là một gói kích cầu để tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất nói chung và tạo sự tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nói và cho rằng, thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà còn ảnh hưởng đến số lượng việc làm, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế và đời sống của mọi người dân. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một nhiệm vụ cần thiết.

Ngoài gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kể trên, những giải pháp khác mà Nghị quyết 02 của  Chính phủ đề ra như cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; cho phép chia nhỏ căn hộ cho phù hợp với nhu cầu; miễn, giảm nhiều loại thuế cho các DN sản xuất - kinh doanh bất động sản… cũng là những “mắt xích” quan trọng và đã được các cơ quan chức năng tích cực triển khai trong thời gian qua.

Vậy Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đủ điều kiện để triển khai vào thực tế cuộc sống chưa? Ngoài các “mắt xích” quan trọng trên, thị trường bất động sản còn cần những yếu tố gì để phát triển? Tín hiệu tích cực nào cho thị trường vào cuối năm nay? Tất cả những câu hỏi và dự báo trên sẽ được đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia uy tín hàng đầu và lãnh đạo các DN bất động sản tập trung “mổ xẻ” để tìm ra câu trả lời xác thực nhất tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Khả năng phục hồi của thị trường bất động sản” do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/5 tới.    

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán