Cuối năm 2007, nhiều dự án được khởi công rầm rộ nhưng rồi đến nay đất được cấp vẫn đang bỏ hoang, trong khi hàng trăm hộ dân phải di chuyển...
Cuối năm 2007, nhiều dự án được khởi công rầm rộ nhưng rồi đến nay đất được cấp vẫn đang bỏ hoang, trong khi hàng trăm hộ dân phải di chuyển chỗ ở và mất đất sản xuất.
Từ năm 2005 đến nay, đã có hàng chục dự án du lịch đầu tư vào khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Tốc độ thi công... “rùa” bò
Dự án khu liên hợp nghỉ dưỡng Conic- Lăng Cô có tổng diện tích hơn 8 ha với quy mô 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự cao cấp và các văn phòng, hội nghị đạt chuẩn quốc tế là một trong những dự án khởi công cuối năm 2007, do Công ty Cổ phần Gia Minh-Conic đầu tư với tổng vốn 294 tỉ đồng. Khác với kỳ vọng của người dân, rằng thị trấn Lăng Cô sớm có một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hoành tráng mang tầm cỡ quốc tế như đã nêu trong ngày khởi công, trước mắt chúng tôi là một bãi cát trống hoang nằm bên những hàng phi lao cằn cỗi. Hơn một năm qua đi, Conic-Lăng Cô chỉ thực hiện được tuyến đường công vụ rải sỏi dài hơn 200 m nối từ Quốc lộ 1A ra biển và hệ thống tường rào tạm bợ bằng thép lưới B40...
Gần đó nữa là dự án du lịch biển Everland Resort. Tại đây, một bãi đất trải dài toàn cát và cát, một căn chòi xập xệ và bảng chỉ dẫn quy hoạch chi tiết dự án nằm xiêu vẹo. Dự án được công bố đầu tư hơn 150 tỉ đồng, trên diện tích 8 ha, bao gồm cụm khách sạn 120 phòng và khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển với 37 biệt thự đạt chuẩn 5 sao..., sau khi khởi công rầm rộ, hiện vẫn chỉ nằm trên bản vẽ! Cũng tại khu vực này, dự án du lịch Diana Resort (do Công ty Cổ phần Dịch vụ đầu tư và Thương mại Việt đầu tư) có diện tích gần 20 ha, tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng, dự kiến sau 2 năm xây dựng sẽ đưa vào hoạt động đến nay vẫn chỉ là một công trường dang dở.
Chỉ nhằm chiếm đất?
Với những động thái không mấy tích cực của các chủ đầu tư, nhiều người dân phân vân không biết các dự án này khởi công nhằm mục đích gì. Cũng xin nói thêm, ngoài các dự án đang nằm trong tình trạng "án binh bất động" kể trên, nhiều dự án khác dù được UBND tỉnh và Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cấp giấy phép đầu tư hơn một năm nay nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Điển hình: Dự án du lịch nghỉ dưỡng Lập An có quy mô 145 ha, với vốn đầu tư 4.775 tỉ đồng, do Công ty Gia Minh- Conic liên doanh với Công ty Lap An Development, thuộc Tập đoàn Kinh doanh địa ốc Nordica Properties (Đan Mạch); khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Chuối tại thị trấn Lăng Cô, do Công ty Cattigana (Singapore) đầu tư xây dựng trên diện tích 100 ha, với tổng vốn 1.632 tỉ đồng. Các dự án xây dựng khu resort, khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí của Công ty Đất Việt, Công ty Cổ phần Hadico, Công ty Đầu tư Xây dựng CIT... đang chiếm đất rồi bỏ hoang trong khi hàng trăm hộ dân phải di chuyển chỗ ở và không còn đất sản xuất.
Người dân thất vọng
Ông Trương Đình Trung, Bí thư Đảng bộ thị trấn Lăng Cô, nói: "Các dự án du lịch ở Lăng Cô dù đã khởi công hay chưa khởi công nhưng đều triển khai quá chậm. Trước đây, chúng tôi rất hy vọng các dự án du lịch đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo cơ hội cho hàng trăm người dân địa phương tìm được việc làm, các sản phẩm ở địa phương được tiêu thụ mạnh, các loại hình dịch vụ kinh doanh phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Song, với sự thi công kiểu rùa bò đã làm người dân quá thất vọng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động