Nhà xây trái phép đã giảm

Cập nhật 13/09/2010 08:15

Trở lại các điểm nóng về xây dựng trái phép trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng (huyện Bình Chánh-TPHCM), nhiều người dân hồ hởi cho chúng tôi biết đã giảm hẳn cảnh xe ben chở vật liệu xây dựng chạy rần rần vào những ngày cuối tuần.

Tình trạng nhà xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh-TPHCM giảm đáng kể sau khi địa phương này dùng biện pháp mạnh

Trở lại các điểm nóng về xây dựng trái phép trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng (huyện Bình Chánh-TPHCM), nhiều người dân hồ hởi cho chúng tôi biết đã giảm hẳn cảnh xe ben chở vật liệu xây dựng chạy rần rần vào những ngày cuối tuần. Ông Năm, một người dân ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, nói: “Trước đây, báo chí phản ánh người dân mua đất nông nghiệp, thông qua “cò” chung chi vài chục triệu đồng, ngủ một đêm mai dậy là có nhà ngay. Nhiều người nghe lời tiền mất tật mang, còn “cò” thì giàu thêm. Nay tình trạng trên đã giảm hẳn!”.


Tình trạng nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - TPHCM nay đã giảm

Đầu nậu hết đất sống

Nhức nhối trước thực trạng xây dựng trái phép tràn lan, tháng 6-2010, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã ký ban hành Chỉ thị số 03, đây được xem là “biện pháp mạnh” nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà trái phép, đầu cơ phân lô hộ lẻ... Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nói: “Chỉ thị xuất phát từ đòi hỏi thực tế về mức độ “nóng” của nhà xây dựng trái phép, không phép tại 3 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng. Bản thân tôi cùng các lãnh đạo phòng, ban đi thực tế rất nhiều và thấm thía chuyện “cò” và các đầu nậu lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi. Trước đây, nhằm hỗ trợ người dân quản lý, sản xuất có hiệu quả, quy định cho phép người dân xây nhà giữ vườn (trung bình 50 m2), thế nhưng nhiều người lợi dụng để biến tướng thành nhà ở và chuyển nhượng trái pháp luật. Chỉ thị 03 sẽ chấm dứt việc đăng ký, xây dựng “nhà giữ vườn” trên đất nông nghiệp”.

Chúng tôi đặt vấn đề: Liệu những người có nhu cầu thực sự có bị gây khó bởi quy định này? Theo ông Tuấn, song song với Chỉ thị 03, UBND huyện cũng ban hành quy định tạm thời về xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác. Ví dụ như việc xây dựng nhà kính phục vụ mục đích trồng trọt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, điểm chứa nông sản, vật tư, công cụ sản xuất nông nghiệp... Nếu người dân có nhu cầu thật sự, đến UBND xã, Hội Nông dân đăng ký và được xác nhận của xã sẽ được cấp phép xây dựng. Ông Tuấn thừa nhận: “Tuy có hơi phức tạp đối với người dân nhưng chính quyền mong người dân chung tay giải quyết dứt điểm vấn đề “nóng” về xây dựng nhà trái phép. Từng địa phương phải hỗ trợ và hướng dẫn hết mình, nếu nơi nào để dân phàn nàn, chúng tôi sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm!”.

Chấm dứt chuyện “trồng bê tông trên đất nông nghiệp”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Bình Chánh, lợi dụng đất nông nghiệp có giá rẻ, các đầu nậu, cá nhân tổ chức san lấp mặt bằng, mang tiếng là chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất trồng cây, thế nhưng sau khi san lấp, các đầu nậu lại phân lô bán nền, trồng trụ bê tông để đó. “Đất san lấp toàn sỏi đá, sao trồng trọt được, làm mất đi tính trù phú của vùng đất đó, chưa kể nguy cơ xây nhà trái phép càng cao”- một cán bộ địa chính xã Vĩnh Lộc B cho biết.

Do đó, Chỉ thị 03 quy định rất rõ: “Việc san lấp mặt bằng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải có phương án xác định rõ loại đất san lấp, cao độ san lấp, loại cây trồng, vật nuôi... và phải đăng ký với UBND xã, thị trấn để kiểm tra, giám sát”. Theo ông Tuấn, ngoài hạn chế tình trạng san lấp mặt bằng, sắp tới, UBND huyện cũng sẽ ban hành quy định khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng và nơi đổ phế liệu phù hợp quy hoạch. Chẳng hạn quy định những nơi có lộ giới hẻm, tải trọng đường, cách trường học, bệnh viện... bao xa mới được kinh doanh vật liệu xây dựng...

Để bảo đảm nhu cầu của người dân, UBND huyện Bình Chánh hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà lưu trú công nhân. Từ cuối năm 2009 đến nay, có 3 dự án đã được khởi công, dự kiến đến cuối năm 2011, sẽ có thêm nhiều dự án tương tự ra đời.

Giảm 25%

Huyện Bình Chánh là cửa ngõ của TPHCM, nhiều xã giáp ranh với những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận Bình Tân, quận 7, quận 8... kéo theo một lượng lớn người dân nhập cư đổ về, làm tốc độ tăng dân số bình quân một năm của cả huyện gần 30.000 người. Do đó, nhu cầu về nhà ở và giao dịch mua bán đất tăng nhanh, nhiều đầu nậu lợi dụng tình hình đã môi giới, đầu cơ trục lợi về nhà đất. Trong năm 2008, 2009, Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố 4 vụ án hình sự liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai.

Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, từ khi ban hành Chỉ thị 03, số vụ vi phạm tháng sau giảm hơn tháng trước 25%, trong đó số vụ được phát hiện ngăn chặn từ đầu chiếm tỉ lệ cao.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động