Nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006 mà không có giấy phép xây dựng, phù hợp quy hoạch... cũng được cấp chủ quyền.
Sắp tới, nhiều nhà lỡ xây dựng không có giấy phép xây dựng vẫn có thể được cấp một giấy mới. Ảnh minh họa: HTD |
Nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006 mà không có giấy phép xây dựng, phù hợp quy hoạch... cũng được cấp chủ quyền.
Ngày 13-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trình Chính phủ dự thảo nghị định hướng dẫn cấp một giấy cho nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất. Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, Chính phủ sẽ quyết định thời điểm có hiệu lực của nghị định, phương án quy định nghị định có hiệu lực sớm hơn thông thường cũng được tính đến.
Theo dự thảo nghị định, trường hợp nhà ở của người dân không có giấy phép xây dựng, giấy tờ về sở hữu nhà, giấy tờ mua bán, tặng cho... thì vẫn được đăng ký quyền sở hữu nhà ở khi được xác nhận của UBND cấp xã. Trong xác nhận của UBND cấp xã phải có những nội dung sau: Nhà ở được xây dựng trước ngày 1-7-2006, không có tranh chấp, được xây dựng trước khi có quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch chi tiết.
Riêng nhà ở xây dựng sau ngày 1-7-2006 thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về các nội dung tương tự như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 1-7-2006. Nhà ở đó không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng.
Về chủ trương ngừng hẳn việc cấp giấy đỏ, giấy hồng lẫn việc đăng bộ đối với hai loại giấy này, lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM khẳng định Sở hiểu như vậy là đúng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư xây dựng (quy định cấp chung một giấy cho nhà, đất - PV). “Từ ngày 1-8-2009, không có giấy nào trong các loại trên được đăng bộ chứ không phải chỉ có giấy hồng theo Nghị định 90” - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt khẳng định.
Điểm 2 khoản 3 Điều 4 luật trên ghi: “Khi chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì người nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Theo ông Kiệt, như vậy khi chuyển nhượng, dù là loại giấy chứng nhận nào thì cũng không còn hình thức đăng bộ nữa mà bên nhận chuyển nhượng được cấp luôn giấy mới. “Có thể có người cho rằng không phải “được” cấp giấy mới khi chuyển nhượng mà phải nói là “bị” thì đúng hơn vì bị bắt buộc nhưng luật đã quy định như thế” - ông Kiệt nói.
Ngày 13-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cũng khẳng định người dân đã có giấy đỏ, giấy hồng vẫn được chuyển nhượng nhà, đất nhưng sau đó phải nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Khi nào có một giấy mới, người nhận chuyển nhượng sẽ được cấp giấy mới.
Trước đó, để giảm ách tắc cho người dân khi được phép giao dịch bằng giấy đỏ, giấy hồng nhưng chưa được cấp một giấy mới, Sở TN&MT TP.HCM đã kiến nghị cho tiếp tục đăng bộ trên giấy đỏ, giấy hồng trong thời gian chờ đợi. Đến nay, Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn về việc này.
UBND TP.HCM chỉ đạo: Tiếp tục cấp giấy đỏ, giấy hồng
Ngày 13-8, HCM CityWeb đăng tải chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc cấp giấy tờ nhà, đất. Theo đó, trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về hướng dẫn thực hiện cấp một giấy mới và ý kiến của Bộ TN&MT, Sở TN&MT phối hợp Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện tiếp tục cấp giấy đỏ, giấy hồng cũ cho người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP