Dù nhiều nhà xây trái phép (không phép, sai phép) sau 1-7-2004 được cho tồn tại nhưng vấn đề có được cấp giấy hồng mới hay không thì các quận, huyện của TP.HCM đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Nhà xây trái phép sau ngày 1-7-2004 vẫn còn lấn cấn trong việc xét cấp giấy chủ quyền. Ảnh minh họa: HTD. |
Dù nhiều nhà xây trái phép (không phép, sai phép) sau 1-7-2004 được cho tồn tại nhưng vấn đề có được cấp giấy hồng mới hay không thì các quận, huyện của TP.HCM đang có nhiều quan điểm khác nhau.
“Nhà vi phạm xây dựng nằm trong quy hoạch dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, diện tích nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận được phép tồn tại. Khi thực hiện quy hoạch 1/500, chủ đầu tư phải phá dỡ không điều kiện phần xây dựng sai phép”. Đó là nội dung Điều 15 Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23/2009 về xử lý vi phạm trong xây dựng (có hiệu lực từ ngày 9-9-2009). Hiểu theo quy định này, sẽ có nhiều trường hợp trong khoảng 11 ngàn căn nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009 trên địa bàn TP được “xóa án”.
“Chỉ được cấp giấy nếu phù hợp quy hoạch”
Điều 15 còn quy định rõ: Các công trình vi phạm lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ sẽ bị phá dỡ. Còn công trình vi phạm xây dựng nằm trong quy hoạch khu dân cư nhưng quy hoạch chưa thực hiện thì được tồn tại nhưng sẽ bị phá dỡ khi thực hiện quy hoạch.
Trong cuộc họp hướng dẫn thực hiện các quy định này cách đây vài tháng, Sở Xây dựng đã giao UBND quận, huyện quyết định từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các quy định này vẫn rất lấn cấn. Trong đó, điều mấu chốt là vẫn chưa rõ các trường hợp được phép tồn tại có được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hay không.
Các quận, huyện có nhiều quan điểm khác nhau. Quận 8 cho biết đã lồng ghép việc xem xét cho tồn tại công trình không phép, sai phép trước ngày 1-5-2009 vào quá trình cấp giấy. Quận Thủ Đức cũng xét cấp giấy cho những nhà vi phạm sau khi thanh tra xây dựng giải quyết xong dựa trên cơ sở Thông tư 24. Tương tự, quận 5 cũng xem xét cấp giấy cho các trường hợp vi phạm xây dựng nếu các phần này không bị buộc phá dỡ.
Băn khoăn vì nghị định “chỏi” thông tư
Trong khi đó, các quận 12, Tân Phú cho hay: nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú, những trường hợp trên chỉ được xem xét cấp giấy chứng nhận kể từ ngày 10-12-2009, khi Nghị định 88/2009 hướng dẫn về giấy chứng nhận mới có hiệu lực. “Điều 8 Nghị định 88 xác định: Nhà xây dựng không có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp (như giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán nhà...) thì được cấp giấy chứng nhận nhưng phải chứng minh xây trước ngày 1-7-2006, tức ngày Luật Nhà ở có hiệu lực. Do đó, phải đợi đến ngày 10-12 mới có thể vận dụng giải quyết cho nhà xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 được” - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú Nguyễn Thị Ngọc Khuê giải thích.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết ông cũng lưỡng lự về Thông tư 24. “Thông tư 24 cho nhà trái phép tồn tại nhưng không nói rõ là có được cấp giấy hay chỉ cho phép để đó, không phải tháo dỡ” - ông Hùng băn khoăn. Chưa kể, giữa Thông tư 24 và Nghị định 88 lại không khớp nhau về thời điểm. Thông tư 24 áp dụng xử lý cho công trình trái phép trước ngày 1-5-2009, trong khi Nghị định 88 lại giới hạn chỉ trước ngày 1-7-2006. Như vậy, quận, huyện sẽ áp dụng theo văn bản nào khi giải quyết cấp giấy cho nhà xây trái phép?
Ngày 12-11, trao đổi với PV, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Xây dựng Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư 24), cũng chỉ khẳng định: “Các trường hợp vi phạm xây dựng không phù hợp quy hoạch trước ngày 1-5-2009 chỉ được tồn tại, không được cấp giấy. Chỉ có những công trình phù hợp quy hoạch mới được cấp giấy”.
Được biết, UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo quyết định thay thế Quyết định 54/2007 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp một giấy. Ông Hùng đề nghị: Những vướng mắc trên nên được xem xét thêm để hướng dẫn thống nhất cho các quận, huyện thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP