Người dân các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão mới. Bao đời qua, họ đã tìm mọi cách hạn chế tối đa các thiệt hại do bão lũ gây ra. Nhiều kiểu nhà trú bão đã ra đời, từ loại mini...
Người dân các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão mới. Bao đời qua, họ đã tìm mọi cách hạn chế tối đa các thiệt hại do bão lũ gây ra. Nhiều kiểu nhà trú bão đã ra đời, từ loại mini giá chỉ 2 triệu đồng/căn đến những “pháo đài” kiên cố chứa hàng trăm người...
Từ nhà trú bão mini
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết: Hiện nay tại xóm Ghành ở thôn An Cường đã xây xong 20 nhà trú bão. Dạng nhà này chỉ rộng chừng 4m², cao 1,2m, được xây dựng bằng loại gạch dày 13 cm, đặt nằm, mái đổ bê tông kiên cố để khi có gió bão lớn, người dân sử dụng làm nơi trú ngụ để bảo toàn tính mạng.
Ông Lê Văn Hoàng, một trong những chủ nhân của nhà trú bão mini này, cho biết, chi phí xây dựng mỗi nhà trú bão dạng này khoảng 2 triệu đồng. Theo quan sát của chúng tôi, nhà trú bão tuy thấp, nhưng kiên cố và cách xa khu vực nhà ở, cây cối một khoảng cách an toàn.
Thấy ông Hoàng xây nhà trú bão, nhiều hộ dân ở xóm Ghành cũng học tập mô hình làm theo. Điều đáng ghi nhận ở đây là tinh thần tương trợ lẫn nhau, người không có tiền thì góp sức, ngày công lao động. Ngoài ông Hoàng, chúng tôi cũng đã có dịp ghé nhà ông Phạm Văn Ba. Nhà trú bão của ông Ba được xem là kiên cố nhất vùng, vì xây rộng hơn, toàn bộ tường và mái đều được đúc bê tông cốt thép với chi phí gần 7 triệu đồng.
Ông Ba cho biết, khi biết ông chuẩn bị xây nhà trú bão, nhiều người hàng xóm điều kiện kinh tế còn khó khăn đến bảy tỏ mong muốn cùng góp sức để “xây nhà”. Ông quyết định thay đổi “thiết kế” để có thể đủ chỗ cho 5 gia đình vào trú ẩn khi có bão.
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Trong khi chưa có kinh phí xây dựng nhà trú ẩn cộng đồng, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích người dân nhân rộng mô hình và sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí trong năm nay”.
Đến “pháo đài” kiên cố
Phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) ở TP Đà Nẵng là những nơi bị ngập lụt nặng mỗi khi lũ từ những con sông Vĩnh Điện, Cẩm Lệ hay Cu Đê tràn về.
Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) Trần Văn Tề cho biết: “Hàng năm, cứ đến mùa lũ, gần 1.000 hộ dân của phường phải “dạt” về Đồn Biên phòng 244, các trường học và lên chân đèo Hải Vân để tránh lũ, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Quý, than thở: “Cứ mỗi khi có lũ, lãnh đạo phường lại “vắt chân lên cổ” chạy đua cùng nước lũ và cùng người dân tránh lũ”. Nhưng năm nay, nói đến chuyện lũ, ông Đức thở phào: “Xã tôi đã có 2 nhà trú ẩn đa năng, cả 2 đã được đưa vào sử dụng”.
Nhà trú ẩn đa năng (phường Hòa Quý, Đà Nẵng) giúp
người dân chung sống an toàn với lũ.
UBND TP Đà Nẵng đã quyết định trang bị thêm 40 máy E-Com cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nâng tổng số máy E-Com được trang bị miễn phí lên 80 chiếc. TP Đà Nẵng hiện có hơn 1.900 tàu thuyền hoạt động nghề cá, trong đó có trên 300 chiếc hoạt động đánh bắt xa bờ.
Sau những tổn thất quá lớn trong cơn bão Chanchu xảy ra năm 2006, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã tổ chức 47 đội hoạt động đánh bắt xa bờ. Các đội này hỗ trợ và luôn giữ liên lạc với nhau trên biển, nếu tàu thuyền nào gặp sự cố sẽ thông báo với tất cả các tàu thuyền trong đội thông qua hệ thống máy liên lạc E-Com để có phương án cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng